1. Khoảnh khắc then chốt – “The decisive moment”
“The decisive moment” – Khoảnh khắc then chốt, là thuật ngữ được nêu ra bởi Henri Cartier-Bresson, một trong những nhà tiên phong trong trường phái nhiếp ảnh đường phố. Khoảnh khắc then chốt xảy ra khi tất cả yếu tố hội tụ một cách hoàn hảo và việc của người cầm máy chính là nắm bắt thời điểm ấy. Người chụp có thể khai thác nhiều khía cạnh khác nhau như vị trí, biểu hiện gương mặt, cử chỉ và chuyển động của chủ thể,
Khi bắt gặp một khoảnh khắc then chốt, đừng chỉ chụp một shot duy nhất. Hãy chụp thật nhiều tấm, từ 10-30 shot nếu có thể. Ngay cả Henri Cartier-Bresson phải chụp trên 20 tấm cho một cảnh mà ông ta cho là đủ thú vị. Với số ảnh đó, ông có thể chọn ra đâu là tấm ảnh đẹp nhất dựa vào hậu kỳ.
2. Nghệ thuật sắp đặt ngẫu nhiên – Juxtaposition
Trong nhiếp ảnh đường phố, người chụp có thể làm nên sức mạnh cho một bức ảnh bằng cách sử dụng nghệ thuật sắp đặt ngẫu nhiên (Juxtaposition). Cụ thể hơn, hiệu ứng này xảy ra khi bạn đặt hai vật khác nhau trong cùng một khung hình để tạo sự tương phản lẫn liên kết giữa các chủ thể. Ví dụ: ảnh chụp một người đàn ông béo tốt đứng cạnh một người mảnh mai, một bà cụ kế bên một đứa trẻ, ảnh một người phụ nữ áo đỏ đứng trước nền màu xanh,…
Để tạo một bức ảnh juxtaposition, người chụp có thể bắt đầu bằng cách chọn một phông nền thú vị như biển quảng cáo và chờ đợi đối tượng thích hợp bước vào khung ảnh để chụp. Bạn cũng có thể quan sát biểu hiện của người đi đường, sau đó cố gắng tìm xem ai đó có biểu hiện thích hợp để đưa vào khung ảnh.
3. Cảm xúc
Một bức street photo hấp dẫn sẽ ghi lại được cảm xúc mạnh mẽ của chủ thể và tạo sự tương phản với bối cảnh chụp. Những trạng thái thường thấy trong ảnh đường phố khá đa dạng, có thể là niềm vui, nổi buồn, sự vui mừng hoặc trẻ trung.
Tuy vậy, việc chụp lại cảm xúc là không hề dễ. Đầu tiên, người chụp phải đọc được cảm xúc của người khác thông qua các cử chỉ hoặc nét mặt của họ sau đó phải chụp đủ nhanh trước khi bị chủ thể phát hiện. Nếu làm được, bạn sẽ tạo ra một bước ảnh hấp dẫn và giàu cảm xúc có thể tạo nên liên kết sâu sắc với người xem.
4. Các yếu tố về thị giác
Trong một số trường hợp khác, một số tác phẩm street photo lại không nhằm vào phương diện thể hiện cảm xúc. Thay vào đó, chất ảnh đường phố lại được thể hiện bằng những hình ảnh trực quan, làm gợi nên cảm giác về hình học, bố cục và màu sắc. Những bức ảnh này thường bật lên những tạo hình thú vị như đường chéo, đường thẳng hoặc đường cong được làm từ sự tương phản giữa ánh sáng và bóng râm.
5. Less is more
Một số tác phẩm xuất sắc khác lại đi vào thể hiện ở chi tiết thay vì toàn bộ khung cảnh. Bằng việc tập trung ở các điểm nhỏ như bàn tay, khuôn mặt, phụ kiện hoặc vật đang cầm nắm, người chụp theo thủ pháp này sẽ truyển tải được sự độc đáo, bí ẩn của chủ thể qua khung hình.
Trên đây là một vài lưu ý mà các bạn có thể tham khảo khi chụp hình nghệ thuật đường phố. Hy vọng các bạn sẽ có được một bộ ảnh thật chất lừ và ưng ý nhất nhé!