Đến Vũng Tàu, du khách có thể dễ dàng bắt gặp những tấm bánh tráng mang tên An Ngãi. Đây là thương hiệu cực kỳ nổi tiếng của Bà Rịa – Vũng Tàu, với hơn 100 năm tuổi. Nếu có dịp du lịch ở Vũng Tàu, du khách hãy về thăm làng An Ngãi để hòa vào không khí rộn ràng của một làng nghề truyền thống lừng danh miền biển.
Làng nghề truyền thống An Ngãi đang trở thành một điểm du lịch Vũng Tàu hấp dẫn du khách (Ảnh sưu tầm) |
Xã An Ngãi thuộc huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời nổi tiếng được người dân không chỉ Vũng Tàu mà các vùng miền Nam Bộ biết đến. Thời gian gần đây, An Ngãi cũng trở thành một địa điểm thăm quan hấp dẫn của du khách khi đến du lịch Vũng Tàu.
Đến địa điểm du lịch này, du khách sẽ được tìm hiểu về lịch sử làng nghề truyền thống hơn trăm tuổi đời này. Khi xưa, An Ngãi chỉ có vài hộ dân làm bánh tráng, giờ đây con số này đã lên tới hơn 100 hộ. Theo những người dân địa phương, khi họ lớn lên đã được học làm bánh tráng. Từ đời này qua đời khác, cha truyền con nối, nghề làm bánh tráng vẫn được lưu giữ và càng ngày càng phát triển.
Khắp nơi ở An Ngãi du khách đều bắt gặp những sân phơi bánh tráng (Ảnh sưu tầm) |
Bánh tráng An Ngãi vừa có độ dẻo, vừa mềm lại vừa dai, bánh màu trắng đục, càng ăn càng cảm thấy vị ngọt, bùi và đậm đà của gạo.
Những người có kinh nghiệm làm nghề bánh tráng mấy chục năm nay chia sẻ rằng để tạo nên một thương hiệu bánh tráng An Ngãi đặc trưng, trở thành một đặc sản Vũng Tàu nổi tiếng. Nguyên liệu để làm bánh tráng là gạo tẻ được ngâm kỹ rồi đem xay thành bột mịn. Bột được pha không được quá lỏng mà cũng không quá đặc, nếu như quá lỏng thì bánh sẽ vỡ, còn nếu đặc quá bánh sẽ bị dai. Để bánh tăng thêm độ dai thì cần thêm vào một chút muối.
Trong chuyến du lịch Vũng Tàu đến An Ngãi, du khách khi đến thăm quan tại những hộ dân làm nghề, sẽ được tận mắt nhìn thấy các công đoạn để làm nên những tấm bánh tráng vừa mỏng lại vừa dai nức tiếng. Từ sớm tinh mơ, những căn bếp trong mỗi nếp nhà đã rộn ràng bởi tiếng nói cười của các mẹ, các chị làm bánh. Người xay bột, người nhóm lò, người lo chuẩn bị phên liếp để phơi bánh.
Những đôi tay thoăn thoắt tráng bánh thuần thục của người phụ nữ An Ngãi (Ảnh sưu tầm) |
Chiếc bếp lò để tráng bánh được đắp bằng đất hoặc xây bằng gạch nung với ba phần liên thông nhau. Một phần dưới cùng là để đưa củi, nhóm lửa, một phần tiếp là chiếc nồi lớn căng một lớp vải mỏng để đổ bột tráng bánh, cuối cùng là ống khói. Một chiếc gáo múc bột, một chiếc đũa dài, mảnh và những chiếc phên liếp thưa đan bằng tre để phơi bánh là tất cả những thứ cần có để bắt đầu làm những chiếc bánh.
Đến địa điểm du lịch Vũng Tàu, du khách sẽ rất thích thú khi nhìn người thợ nhanh tay cầm chiếc gáo múc bột, rồi đổ đều lên tấm vải căng mỏng. Sau đó, họ lấy chiếc gáo dừa xoa đều để bột dàn đều khắp mặt vải tạo thành một lớp bánh mỏng tròn đều theo miệng chiếc nồi to. Khi bánh đủ chín, người thợ sẽ dùng chiếc đũa dài và mảnh gỡ một góc bánh rồi áp vào ống tre, cuốn lên một đoạn tách khỏi liếp rồi dàn ra tấm liếp. Khi mặt liếp đã phủ kín bánh thì sẽ mang đem phơi nắng, đủ độ khô là đưa vào sử dụng. Vậy là đã hoàn thành một chiếc bánh tráng An Ngãi.
Nhìn thì đơn giản nhưng mà phải trải qua mấy chục năm những đôi tay mới thoăn thoắt, nhanh nhẹn được như thế. Nếu muốn, du khách có thể thử tự tay làm một chiếc bánh tráng từ công đoạn múc bột, dàn bột đến cuốn bánh ra liếp. Nếu có đôi tay khéo léo, có thể bạn sẽ làm được những chiếc bánh tráng tròn trịa và hấp dẫn.
Du khách thích thú khi được tham quan làng nghề (Ảnh sưu tầm) |
Đặc sản Vũng Tàu – bánh tráng An Ngãi là một loại nguyên liệu không thể thiếu trong những món ăn ngon trong đời sống thường ngày cũng như các dịp lễ tết. Trong mâm cơm cúng tổ tiên mỗi dịp Tết, chiếc bánh tráng cuốn nem, cuốn chả không thể thiếu. Đó là lòng hiếu kính, là lòng thơm thảo của cháu con tưởng nhớ ông bà, cha mẹ mình.
Cũng từ bánh tráng, người dân địa phương cuốn chả giò, cuốn thịt, cuốn cá, làm nên những món quà vặt thơm ngon, ăn một lần nhớ mãi như bánh tráng chuối, bánh tráng tôm ớt… Bánh tráng cũng là quà tặng giản dị mà người ta tặng cho nhau để thể hiện tình cảm, dân dã thế mà đậm đà tình nghĩa, hương vị quê hương, làm nên một nét đẹp về ẩm thực của Vũng Tàu.
Du khách sẽ ghi nhớ và lưu giữ hình ảnh những người phụ nữ An Ngãi miệt mài bên những sân phơi bánh (Ảnh sưu tầm) |
Năm 2013, An Ngãi được công nhận là làng nghề truyền thống, các hộ được tập trung lại thành một làng nghề để sản xuất có hiệu quả hơn và để du khách đến tham quan dễ dàng hơn.
Trong chuyến du lịch Vũng Tàu của mình, nếu có điều kiện, bạn nên đến thăm làng nghề truyền thống An Ngãi. Bạn sẽ gặp một miền quê yên bình, những người nông dân hiền hậu và mang những chiếc bánh tráng dẻo thơm về làm quà tặng những người thân yêu.
vntrip – Vntrip.vn