Bạn cùng gia đình, bạn bè, đồng nghiệp muốn tổ chức một buổi du xuân mà chưa biết nên đi đâu? Sau đây, Vntrip sẽ giới thiệu đến bạn những địa điểm du lịch đẹp và linh thiêng.
Quần thể di tích Yên Tử, chùa Bà Vàng (Quảng Ninh)
Nếu đến với Quảng Ninh, bạn nên tới tham quan chùa Yên Tử và chùa Ba Vàng đều thuộc thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Đây là hai ngôi chùa lớn, thường thu hút rất nhiều du khách và phật tử tới chiêm bái mỗi dịp đầu năm. Vì vị trí khá gần nhau nên bạn có thể tới tham quan cả hai địa điểm du lịch tâm linh này chỉ trong một ngày. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm được chi phí và thời gian.
- Quần thể di tích Yên Tử:
Quần thể di tích Yên Tử tọa lạc tại xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Danh thắng Yên Tử là cái nôi của Thiền phái Trúc Lâm từ cuối thế kỷ 13. Thời gian này, vua Trần Nhân Tông đã từ bỏ ngai vàng để đến đây tu hành, nghiên cứu Phật pháp và trở thành vị tổ đầu tiên của phái Trúc Lâm với Phật danh là Điều ngự Giác Hoàng.
Quần thể di tích Yên Tử (ảnh sưu tầm) |
Địa điểm du lịch tâm linh này là tập hợp nhiều ngôi chùa, am, tháp, tượng, rừng cây cổ thụ. Tiêu biểu là đền trình, chùa Giải Oan, chùa Hoa Yên, chùa Đồng… Mỗi ngôi chùa đều có nét độc đáo và linh thiêng.
Với chiều cao 1.068m, du khách và các Phật tử thường phải đi bộ khoảng 4 đến 5 giờ đồng hồ để lên đến đỉnh núi, nơi có chùa Đồng. Tuy nhiên, từ năm 2002, Yên Tử đã đưa vào hoạt động hệ thống cáp treo từ chùa Giải Oan lên chùa Hoa Yên, giúp bạn tiết kiệm thời gian đi lại và đảm bảo sức khỏe.
Hệ thống cáp treo của Yên Tử (ảnh sưu tầm) |
Hàng năm, lễ hội Yên Tử được diễn ra vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch. Tuy nhiên, từ Tết cho tới tháng 3 âm lịch, nơi đây thường thu hút rất nhiều du khách và phật tử bốn phương. Theo thông tin của ban quản lý danh thắng, tính từ Tết âm lịch đến thời điểm này, Yên Tử đã đón hơn 800.000 du khách tới tham quan, chiêm bái.
Nhiều du khách thập phương về Yên Tử chiêm bái (ảnh sưu tầm) |
- Chùa Ba Vàng:
Chùa Ba Vàng còn có tên là Bảo Quang Tự, nằm ở độ cao 340m so với mặt nước biển, trên một vị trí đẹp của thành phố Uông Bí (Quảng Ninh). Chùa được xây dựng lần đầu vào năm 1676. Đến năm 2011, ngôi chùa lại một lần nữa được khởi công xây dựng với quy mô to lớn khang trang hơn.
Chùa Ba Vàng có chính điện rộng tới 3.500 m2 và trống độc mộc lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam.
Chính điện của chùa Ba Vàng (ảnh sưu tầm) |
Trống độc mộc của chùa Ba Vàng (ảnh sưu tầm) |
Chùa có hệ thống tượng pháp làm bằng gỗ với kích thước lớn như tượng Tam thế, Quan âm, ông Thiện, ông Ác… đều cao trên 2m. Trong đó, pho tượng A Di Đà là một trong những tượng Phật bằng gỗ vào loại lớn nhất miền Bắc.
Đặc biệt, chùa còn có một giếng cổ không bao giờ cạn nước. Tương truyền, du khách uống được nước lấy từ giếng sẽ khỏe mạnh và khỏi bách bệnh. Bởi vậy, nhiều người tới đây đều muốn được uống nước lấy từ giếng,
Giếng nước cổ không bao giờ cạn nằm trong chùa (ảnh sưu tầm) |
Du khách, Phật tử đến chiêm bái chùa Ba Vàng không chỉ được hưởng không khí linh thiêng của chốn đạo phật mà còn được đắm chìm trong khung cảnh nên thơ, trữ tình. Theo đánh giá của nhiều Phật tử, ngôi chùa này hội tụ đầy đủ các yếu tố của một điểm du lịch sinh thái, văn hoá – lịch sử.
Chùa Bái Đính, Tràng An (Ninh Bình)
Chùa Bái Đình và Tràng An là hai địa điểm du lịch khá gần nhau, đều nằm trong quần thể Danh thắng Tràng An. Vì vậy, bạn sẽ có thể tới cả hai địa điểm này trong một ngày. Đặc biệt, hai địa điểm này thường thu hút rất nhiều khách thập phương dịp đầu năm.
- Chùa Bái Đính
Chùa Bái Đính mới (Bái Đính tân tự) có diện tích rộng 80 ha, nằm trong Quần thể Danh thắng Tràng An, cách thành phố Ninh Bình khoảng 15km, nằm ở phía Tây khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư.
Chùa Bái Đính (ảnh sưu tầm) |
Địa điểm du lịch tâm linh này được coi là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, xác lập nhiều kỷ lục:
-
Tượng phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á: Tượng đồng 100 tấn ở trong điện Pháp Chủ
-
Tượng phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á: tượng phật Di lặc 100 tấn ngoài trời.
-
Chuông đồng lớn nhất Việt Nam: Đại hồng chung nặng 36 tấn trong Tháp Chuông.
-
Khu chùa rộng nhất Việt Nam: 539 ha (riêng chùa cổ 27 ha, chùa mới 80 ha).
-
Khu chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á: hành lang La Hán dài gần 3 km.
-
Khu chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam: 500 vị bằng đá xanh cao khoảng 2m.
-
Khu chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam.
Tượng phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á ở chùa Bái Đính (ảnh sưu tầm) |
Để lên được chùa Bái Đính, du khách cần mua vé xe điện để được xe đưa lên tận nơi mà không phải đi bộ đến chùa.
Hàng năm, lễ hội chùa Bái Đính được khai mạc vào ngày mùng 6 tết và kéo dài đến hết tháng 3, khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Lễ hội vừa có sự sùng bái tự nhiên, vừa thể hiện tín ngưỡng đạo Phật, đạo Mẫu và cả Nho giáo.
Chùa Bái Đính thu hút nhiều du khách và Phật tử (ảnh sưu tầm) |
Vì có không gian yên tĩnh, rộng lớn và khá đẹp nên ngôi chùa thường thu hút rất nhiều du khách thập phương tới chiêm bái, vãn cảnh mỗi dịp lễ Tết, du xuân đầu năm.
- Khu du lịch sinh thái Tràng An
Khi đến Ninh Bình, sau khi chiêm bái ở chùa Bái Đính, bạn nên di chuyển một đoạn ngắn để tham quan Tràng An
Khu du lịch sinh thái Tràng An nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình – có diện tích 2168 ha, cách thủ đô Hà Nội hơn 90 km về phía nam. Nơi đây chứa đựng những giá trị nổi bật toàn cầu về kiến tạo địa chất, địa mạo, khảo cổ và thẩm mỹ. Bởi những lợi thế đó, khu du lịch đã được UNECO công nhận là Di sản Văn hóa và thiên nhiên Thế giới.
Khu du lịch sinh thái Tràng An (ảnh sưu tầm) |
Đến đây, du khách sẽ được ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên rộng lớn, nên thơ, tham quan các hang động kì bí, thú vị. Sự phục vụ nhiệt tình, chu đáo, thân thiện của đội ngũ hướng dẫn viên và người dân địa phương luôn làm hài lòng du khách. Để cảm nhận sâu sắc hơn về địa điểm du lịch này, bạn cũng cũng có thể cùng chèo thuyền.
Tham quan Khu du lịch sinh thái Tràng An bằng thuyền (ảnh sưu tầm) |
Theo quy hoạch, khu du lịch sinh thái Tràng An có 9 tuyến du lịch đường thuỷ và 2 tuyến du lịch đường bộ. Tuy nhiên hiện nay, Ninh Bình mới đưa vào khai thác phục vụ khách đến thăm quan du lịch một tuyến đường bộ và hai tuyến đường thuỷ. Du khách sẽ được tham quan địa điểm này bằng thuyền với đầy đủ áo phao để đảm bảo an toàn.
Quần thể Chùa Hương (ảnh sưu tầm) |
Chùa Hương tọa lạc tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Chùa là một địa danh tham quan nổi tiếng tại miền Bắc, nằm từ chân núi Hương Tích lên tới đỉnh núi. Lễ hội chùa Hương bắt đầu từ Rằm Tháng Giêng. Hằng năm, từ khi khai hội cho đến hết tháng 3 âm lịch, chùa lại thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước tới cúng bái, dâng hương lễ phật.
Đường vào chùa Hương – sơn thủy hữu tình (ảnh sưu tầm) |
Đặc biệt, để tham quan quần thể chùa Hương, bạn sẽ được đi thuyền, chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt đẹp, như một bức tranh sơn thủy hữu tình, mê hoặc lòng người.
Chùa Hương là một quần thể kiến trúc rải rác trong thung lũng Suối Yến, có 4 tuyến hành hương với nhiều địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng:
-
Tuyến Hương Tích: Đền Trình – Chùa Thiên Trù – Động Tiên Sơn – Chùa Giải Oan – Đền Trần Song – Động Hương Tích – Chùa Hinh Bồng.
-
Tuyến Thanh Sơn: Chùa Thanh Sơn – Động Hương Đài.
-
Tuyến Long Vân: Chùa Long Vân – Động Long Vân – Hang Sũng Sàm.
-
Tuyến Tuyết Sơn: Chùa Bảo Đài – Động Chùa Cá – Động Tuyết Sơn.
Nhiều du khách trẩy hội chùa Hương từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch (ảnh sưu tầm) |
Tới chùa Hương, bạn còn có thể thưởng thức một số món ngon Hà Nội hay chính là những đặc sản tại chùa Hương như rau sắng, chè củ mài, quả mơ…
Với những địa điểm du lịch trên, bạn sẽ có thể vừa cầu nguyện cho bản thân và gia đình một năm thuận lợi, lại vừa được chìm đắm trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Hãy đến đây để có một chương trình du xuân đáng nhớ!
vntrip – Vntrip.vn