Rời xa phồn hoa đô thị, khi tới thăm quan Vũng Tàu, du khách nên ghé qua đền Dinh Cô huyền bí. Điểm đến Vũng Tàu này không chỉ mang vẻ đẹp vốn có mà còn gắn cả nét văn hóa bản địa của ngư dân Long Hải, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Dinh Cô bên biển Long Hải (Ảnh sưu tầm) |
Đền Dinh Cô nằm bên bờ biển thuộc thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, được xây dựng với quy mô hoàng tráng bằng lối kiến trúc cổ xưa kết hợp hiện đại. Vì vậy, ngày 16/01/1995, Dinh Cô được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia bởi Bộ văn hóa.
Thuở sơ khai, Dinh Cô vốn chỉ là ngôi miếu nhỏ được xây dựng để thờ cô gái trẻ có tên Lê Thị Hồng (gọi là Thị Cách). Tương truyền, cô vốn là người Tam Quan (Bình Định) trên đường qua đây gặp bão lớn, rơi xuống biển. Thi thể cô trôi dạt vào Hòn Hang (nay là đền Dinh Cô). Thương xót cô mệnh mỏng, dân địa phương đã chôn cất trên đồi Cô Sơn.
Cũng từ đó, cô thường hiển linh báo điềm lành, phù trợ ngư dân, trừ bệnh dịch bá tánh… Đáp lại công ơn đó, ngư dân đã tôn cô là “Long Hải Thần Nữ Bảo An Chánh Trực Nương Nương Chi Thần”.
Dinh Cô linh thiêng (Ảnh sưu tầm) |
Đến năm 1930, ngư dân đã dời miếu thờ cô lên đồi Kỳ Vân, nơi có địa thế cao hơn. Sau sự cố hỏa hoạn năm 1987, đến nay, Dinh Cô đã trải qua hai lần xây dựng lại và trùng tu để trở thành địa điểm du lịch Vũng Tàu nổi tiếng.
Với tổng diện tích trên 1.000m2, Dinh Cô gồm hai khu chính là khu vực cổng Tam Quan và khu chính điện được tách nhau bởi 37 bậc tam cấp.
Cổng Tam Quan nằm ngay dưới chân mũi Thùy Vân. Bao quanh là tượng rồng và cọp dũng mãnh. Mái cổng gắn “lưỡng long chầu nguyệt” và “song phụng chầu” khiến bố cục nơi đây trở nên hài hòa, cuốn hút.
Cổng Tam Quan (Ảnh sưu tầm) |
Qua 37 bậc tam cấp, du khách sẽ tới được khu chính điện. Trong khu này có 7 bàn thờ. Trong đó, bàn thờ Bà Cô (Lê Thị Hồng) nằm ở vị trí trung tâm. Tượng bà cao hơn nửa mét, mặc áo choàng đỏ, viền thêu kim tuyến, đầu đội mão gắn ngọc nổi bật. Ngay phía sau bàn thờ Bà Cô là bàn thờ Diêu Trì Phật Mẫu, Chúa Cậu (Cậu Tài, Cậu Quý), Ngũ Hành Nương Nương, Tứ Pháp Nương Nương (Vân – Vũ – Lôi – Điện), Thổ Địa và Thần Tài.
Bàn thờ Bà Cô (Ảnh sưu tầm) |
Các bàn thờ cạnh bàn thờ Bà Cô (Ảnh sưu tầm) |
Ngoài khu vực chính điện, ngư dân còn đưa vào đền Dinh Cô nhiều tượng thánh thần, đại diện cho văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của các dân tộc sống trên địa bàn khác nhau. Cụ thể, họ đã lập bàn thờ của Cửu Thiên Huyền Nữ, Chúa Ngọc Nương Nương, Chúa Tiên Nương Nương, Chư vị… và các miếu thờ Hỏa Tinh Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế Quân, Quan Thế Âm Bồ Tát…
Hàng năm, Dinh Cô thu hút hàng chục ngàn du khách khắp mọi miền đến viếng lễ và tắm biển, đặc biệt vào các ngày 10, 11, 12/2 âm lịch, khi lễ hội Nghinh Cô được tổ chức. Đây là một trong những lễ hội Vũng Tàu thuộc dạng lớn ở khu vực Nam Bộ.
Lễ hội Nghinh Cô (Ảnh sưu tầm) |
Đến đền Dinh Cô, du khách có thể thỏa sức ngắm nhìn rừng cây xanh tốt, những mỏm đá đủ mọi hình thù và bãi cát vàng hình bán nguyệt với những khu tắm biển sạch sẽ, mát mẻ. Thêm vào đó, khách du lịch còn được thưởng ngoạn đại dương ngàn trùng sóng vỗ với tàu ghe qua lại nhộn nhịp.
Với những lợi thế đó, đền Dinh Cô chính là một trong những nơi đẹp ở Vũng Tàu, trở thành điểm thăm quan Vũng Tàu thu hút hàng ngàn du khách.
vntrip – Vntrip.vn