Rất nhiều khách du lịch khi ghé thăm Đà Nẵng đều có một cảm nhận chung đó là sức trẻ, là sự sôi động, nhộn nhịp của phố phường. Nhưng trong những địa điểm du lịch Đà Nẵng, không phải ai cũng biết đến nơi đây, một chốn trầm lặng, thu mình, lưu giữ lại những dấu tích thời gian. Đó chính là đình làng Đại Nam – ngôi đình hơn 100 năm tuổi.
Đình làng Đại Nam – ngôi đình hơn 100 năm tuổi (Ảnh sưu tầm) |
Đình làng Đại Nam – kiến trúc cổ vẹn nguyên
Đình làng Đại Nam là một trong các điểm du lịch ở Đà Nẵng có ý nghĩa lịch sử lâu đời. Đình được xây dựng dựa trên mong muốn của dân làng. Mọi người cùng nhau góp tiền, góp công để xây dựng nơi thờ thành Hoàng, nơi ghi nhớ cội nguồn tổ tông, duy trì tín ngưỡng.
Đình làng Đại Nam được xây dựng cách đây hơn 100 năm (năm 1905 – Ất Tỵ). Bộ Văn hóa – Thông tin đã công nhận đây là di tích cấp quốc gia vào năm 1999. Hiện tại đình thuộc phường Hòa Cường, quận Hải Châu, Đà Nẵng.
Đình làng Đại Nam nay thuộc phường Hòa Cường, Hải Châu, Đà Nẵng (Ảnh sưu tầm) |
Nếu bạn là một người yêu kiến trúc, yêu lịch sử hay chỉ đơn thuần là người trân trọng những giá trị cổ xưa thì đình làng Đại Nam là một địa điểm du lịch Đà Nẵng lý tưởng dành cho bạn. Đình làng ra đời từ thời nhà Nguyễn. Phong cách thịnh hành thời bấy giờ là ngói âm dương, tường gạch. Chú ý kỹ một chút du khách có thể nhận ra sự tinh tế và cầu kỳ trong việc trang trí mái đình. Những mảnh sành sứ được ghép nối tinh tế, sống động, sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời. Những hình ảnh được cho là điềm lành, là sự may mắn và thần bí dùng để trang hoàng. Có thể nhận ra dễ dàng hình ảnh Lưỡng Long Chầu Nguyệt,Loan Phụng hòa vinh, Dơi ngậm đào trên mái đình cổ xưa này.
Bước qua cửa, vào bên trong đình ta sẽ thấy kiến trúc đặc trưng của đình làng xưa. Đình chia làm 3 gian, 2 chái. Gian phòng to nhất, nằm chính diện có chiều dài 11,7 m, rộng 7,9 m. Phía sau gian chính là căn phòng rộng 3,9 m, và dài 4,1m. Nếu phía bên ngoài đình là những họa tiết được tạo nên từ những mảnh sành thì phía trong đình lại là sự kết tinh, là bàn tay tài ba khéo léo của người thợ chạm Kim Bồng. Trong đình được làm bằng gỗ, chạm trổ hết sức tinh vi. Phía đầu hồi là những nét chạm khắc tỉ mẩn, cầu kỳ, là bức tranh cá chép hóa rồng, bát bảo đạo nho, cùng các họa tiết hoa văn cỏ cây hoa lá. Một điều hết sức thú vị đó là trong đình có 4 hàng cột gồm 20 cột bằng gỗ mít, có chiều cao từ 2,5m – 4,5m. Kết cấu kèo theo “chồng rường – giả thủ”.
Đình Đại Nam có ý nghĩa lịch sử và văn hóa (Ảnh sưu tầm) |
Những dấu tích kiến trúc cổ của đình làng Đại Nam đến nay gần như vãn còn vẹn nguyên. Các tập tục, hội làng vẫn được người dân duy trì đều đặn. Đặc biệt vào đêm giao thừa và ngày rằm tháng 2 hàng năm người dân thường tập trung làm lễ tại đình làng, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho tài lộc, sức khỏe đến từng người, từng nhà. Có thể nói đình làng Đại Nam không chỉ là một địa điểm du lịch Đà Nẵng đẹp mà còn là một dấu tích văn hóa cổ đầy giá trị mà người đời sau cần lưu giữ.
Đình làng Đại Nam – di tích lịch sử thời kỳ kháng chiến
Đình làng Đại Nam không chỉ là một trong những địa điểm du lịch Đà Nẵng có ý nghĩa về kiến trúc, văn hóa mà đây còn là chứng nhân lịch sử một thời kỳ bi hùng nhưng quá đỗi đau thương.
Ngôi đình chứng kiến những tháng ngày lịch sử đau thương (Ảnh sưu tầm) |
Ngôi đình đứng đó với hai cây đa cổ thụ sừng sững trong khuôn viên đình. Hai cây đa này rất lớn, phải hơn mười người mới ôm xuể thân cây. Nghe người dân nơi đây kể lại thì hai cây đa này có tuổi thọ hơn một trăm năm. Trải qua thời gian, cây đa cổ thụ cùng với đình làng Đại Nam chứng kiến bao đổi thay lịch sử, bao thăng trầm biến động nước nhà.
Trên mảnh đất Hòa Cường anh hùng này biết bao người con đất Việt đã hi sinh cho nền độc lập dân tộc, cho con cháu đời sau được hưởng hòa bình. Đình Đại Nam đau xót nhìn những mảnh đời ngã xuống, ghi danh những anh hùng để ngàn đời mãi nhớ thương. Trong khuôn viên đình có tấm bia tưởng niệm lớn. Tại đây, 121 anh hùng liệt sĩ sinh ra tại Hòa Cường hay hi sinh trên mảnh đất này đều được ghi danh.
Trong khuôn viên đình là tấm bia tưởng niệm 121 anh hùng liệt sĩ (Ảnh sưu tầm) |
Trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ, ngôi đình được người dân sử dụng để làm nơi trú ẩn, bí mật hoạt động cách mạng. Điểm đến Đà Nẵng này thực sự khiến cho khách thập phương đến đây cảm thấy bùi ngùi, xúc động; là tâm trạng hoài cổ, là sự tự hào hay pha nỗi xót xa.
vntrip – Vntrip.vn