Khá nhiều người đã từng nghe qua hoặc ghé thăm Ngũ Hành Sơn của thành phố Đà Nẵng – nơi sở hữu vẻ đẹp hội tụ của một vùng trời biển, non nước hữu tình với những giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh sâu sắc. Ẩn dấu trong vẻ đẹp kỳ vỹ này, động Huyền Vi hiện ra là một trong những cảnh đẹp ở Đà Nẵng khá trầm lắng, tĩnh mịch.
Động Huyền Vi thuộc ngọn Dương Hỏa Sơn (Ảnh sưu tầm) |
Vị trí của động Huyền Vi
Động Huyền Vi nằm ở phía sau chùa Linh Sơn thuộc ngọn Dương Hỏa Sơn – một trong năm ngọn núi nổi tiếng của Ngũ Hành Sơn. Địa điểm du lịch này mang chút trầm buồn, u tịch, thanh tịnh như chốn nương náu nhưng lại là khoảng không gian kỳ bí để con người chiêm nghiệm, cảm nhận sự hùng vĩ của thiên nhiên và nhìn rõ vẻ đẹp chân tâm của chính mình.
Nếu như động Huyền Không ở ngọn Thủy Sơn rất nổi tiếng, gắn liền với Ngũ Hành Sơn như một biểu tượng, thì động Huyền Vi thuộc Dương Hỏa Sơn lại là một điểm dừng chân khiêm nhường.
Hòn Dương Hỏa Sơn – Ngũ Hành Sơn có động Huyền Vi (Ảnh sưu tầm) |
Năm 1957, khi leo núi, người địa phương phát hiện ra một lỗ hổng rất lớn gần đỉnh Dương Hỏa Sơn. Lúc thăm dò, họ thấy một cái hang rất rộng ở giữa lòng núi. Sau đó, địa phương đã quyết định khai mở một đường hầm dài để thông vào hang.
Khám phá động Huyền Vi
Cho đến nay, động Huyền Vi vẫn giữ vẻ trầm lắng, huyền bí vốn có như ngày đầu. Cửa động có ba chữ “Huyền Vi Động”. Lòng động khá tối, phải có đèn đuốc mới có thể đi lại được. Để vào thăm động, du khách sẽ phải đi qua cửa hang này với chiều dài khoảng 3m.
Đường vào động Huyền Vi (Ảnh sưu tầm) |
Qua cửa hang nhỏ này, du khách sẽ tới lòng hang sáng hơn với bề rộng khoảng 2m và chiều dài đến khoảng 10m. Cảnh đẹp ở Đà Nẵng này có nhiều ngóc ngách nhỏ. Trên vách có hình ảnh các loài cỏ cây, muông thú, do nước và gió xâm thực tạo thành. Trong hang có nhiều ngõ ngách nhỏ nên du khách có thể thoải mái khám phá. Tại ngách bên trái từ ngoài cửa động vào, nếu trèo lên mấy bậc bàn đá khoảng 3-4 mét nhìn lên cao, du khách sẽ thấy pho tượng Đức Phật Tổ bằng đá trong tư thế đang tọa thiền.
Tiếp tục đi sâu vào trong những ngóc ngách, khách tham quan cần xuống lòng hang, đường đi khá quanh co, nhiều tầng. Sau đó, du khách sẽ tới một không gian khá rộng. Nơi đây có một bệ thờ, khoảng giữa có tượng Phật Chuẩn Đề.
Trong bệ thờ này có một pho tượng nhỏ, khá đẹp. Theo người dân địa phương, đó là tượng Huyền Trân công chúa. Phía trong cùng là tượng Phật A Di Đà, cao hơn 1m. Dựa vào các hình dạng tự nhiên do gió và nước xâm thực tạo sẵn, địa phương đã gia công thành hình tượng Phật A Di Đà, các vị Phật, Bồ Tát…
Trong động còn chứa một hồ nước nhỏ với tượng Ông Lữ ngồi câu cá trên ghềnh đá. Bởi vậy, hồ này có tên là Ông Lữ. Đặc biệt, giếng Tuyền Cầm cũng xuất hiện trong hang, tô điểm thêm vẻ đẹp của địa điểm du lịch này. Khi có gió lùa, giếng phát ra âm thanh trong vắt và chút réo rắt như tiếng nhạc của thiên nhiên thật thú vị.
Đến nơi cuối cùng của hang, khách tham quan sẽ thấy một cái trống bằng đất khá độc đáo. Nếu dùng vật cứng để đánh xuống mặt trống, du khách sẽ nghe được được âm thanh trầm bổng như tiếng trống nhưng âm vực trầm đục hơn.
Động Huyền Vi khá tối (Ảnh sưu tầm) |
Năm 1960, sư Huệ Nhật cất một thảo am tranh bên cửa động để tu hành và bảo vệ hang động Huyền Vi. Đến năm 1964, am tranh được thay thế bằng ngôi chùa bằng ngói đặt tên là chùa Linh Sơn – một ngôi chùa cổ kính, giản dị.
Đến Đà Nẵng, khám phá dãy núi Ngũ Hành và ngắm những cảnh đẹp ở Đà Nẵng nổi tiếng, du khách không nên bỏ qua động Huyền Vi ở nằm ở ngọn Dương Hỏa Sơn. Đây là một kiệt tác của thiên nhiên dành cho thành phố biển trẻ trung này.
vntrip – Vntrip.vn