Nam Ô là một làng chài nhỏ bé nằm ngay cạnh quốc lộ 1 thuộc địa phận thành phố Đà Nẵng. Ngôi làng này được những bãi cát trắng mịn màng dài hàng cây số bao bọc. Nam Ô không được thiên nhiên phú cho đất đai màu mỡ để trồng trọt, nhưng được bù lại một thế mạnh khiến nhiều địa phương khác phải ao ước: đó là một vùng biển trù phú với nhiều loại hải sản quý hiếm, có giá trị cao.
Từ xa xưa, người dân Nam Ô đã hành nghề đánh bắt cá, tôm… và đặc biệt, nhờ sự tìm tòi và không ngừng học hỏi, họ đã chế biến ra nước mắm Nam Ô, một món ăn Đà Nẵng tuyệt hảo.
Làng chài Nam Ô (Ảnh sưu tầm) |
Ngư dân Nam Ô, cũng giống như ngư dân ở khắp các tỉnh miền Trung, bắt đầu ra khơi vào tháng ba âm lịch hàng năm. Khi đó, thời tiết thuận lợi, trời quang, biển lặng, sóng êm.
Trong những ngày này, nếu ghé qua Nam Ô, du khách sẽ tận mắt được chứng kiến cảnh tượng vô cùng nhộn nhịp ngay từ sáng sớm tinh mơ. Lúc đó, các tàu tấp nập về bến với đủ loại cá cơm, cá nục, cá trích… tươi ngon, ăm ắp đầy khoang. Trong đó, cá cơm than chiếm số lượng nhiều nhất. Đây cũng là nguyên liệu chính để tạo nên nước mắm Nam Ô.
Cá cơm, nguyên liệu chính chế biến nước mắm Nam Ô (Ảnh sưu tầm) |
Cá cơm than khi bắt được phải được rửa sạch bằng nước biển, lựa chọn thật kĩ rồi loại bỏ những con quá to, quá nhỏ hay không được tươi.
Một nguyên liệu vô cùng quan trọng khác chính là muối. Chỉ có muối Cà Ná hạt to, đã để từ hai đến ba năm mới có thể tạo ra loại nước mắm có hương vị đậm đà. Người dân Nam Ô thường mua loại muối này, trải trên nền xi măng khô trong 5 đến 7 ngày để muối chảy hết chất nước đắng.
Sau đó, cá và muối được đổ vào chum, vại đem cất vài năm trước khi đem ra sử dụng.
Lu chứa nước mắm (Ảnh sưu tầm) |
Người Nam Ô thường dùng chum, vại hoặc thùng đóng bằng gỗ mít, gỗ bằng lăng để đựng cá muối. Đặc biệt, những chum, vại này thường nhỏ vì lượng cá cơm than đánh bắt được trong ngày không nhiều.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu và vật dụng, người dân Nam Ô bắt đầu trộn cá và muối theo tỉ lệ 10 cá: 4 muối. Công đoạn trộn này khá công phu và đòi hỏi nhiều kinh nghiệm để cá thấm muối mà không bị nát.
Sau khi trộn, cá sẽ được đổ vào chum, vại, phía trên gài vỉ đan bằng nan tre hoặc mo cau, đậy nắp thật kĩ. Cuối cùng, người dân địa phương sẽ đưa chum vào phòng tối, khô ráo, sạch sẽ để giữ cho nhiệt độ luôn ở mức vừa phải và cũng để tránh có giòi, làm ảnh hưởng đến chất lượng nước mắm.
Sau khoảng 6, 7 tháng, người dân sẽ trộn lại cá và muối. Thông thường, cá muối từ tháng ba, đến gần Tết âm lịch đã có thể lọc mắm. Lúc này, căn phòng sẽ nức lên mùi nước mắm rất đặc trưng. Người dân nhấc vỉ ra, trộn thật đều cá đã ngấm muối rồi lọc mắm bằng vải mịn để thứ nước mắm có màu cánh gián và chất lượng tuyệt hảo từ từ chảy ra.
Nước mắm Nam Ô (Ảnh sưu tầm) |
Quy trình để chế biến nên nước mắm Nam Ô lừng danh – một món ăn ngon Đà Nẵng chỉ như vậy. Song không phải ai cũng có thể tự chế biến được. Từ xưa, các làng lân cận Nam Ô cũng đã thử làm nước mắm nhưng không thành công. Nước mắm của họ chế biến không hề có hương vị đặc sắc như ở Nam Ô.
Vì lẽ đó, nhiều người cố tìm cách lý giải lí do khiến nước mắm Nam Ô có chất lượng vượt trội so với nhiều loại khác. Có người cho rằng, sự thơm ngon là kết quả của nhiều yếu tố như chất lượng cá, muối, khí hậu đặc biệt của vùng đất này và đáng chú ý nhất là kinh nghiệm của người dân địa phương được tích lũy qua nhiều đời.
Bánh bèo ăn cùng nước chấm pha từ nước mắm (Ảnh sưu tầm) |
Trong thời Pháp thuộc, nước mắm Nam Ô rất nổi danh. Những ngày Lễ, Tết, người dân ở khắp các tỉnh miền Trung vẫn về tận làng để tìm mua nước mắm làm quà biếu.
Ngày nay, trải qua thử thách của thời gian với nhiều thăng trầm, sản phẩm nước mắm của Nam Ô vẫn giữ được chất lượng tuyệt hảo như xưa. Hơn nữa, giá cả khá hợp lý khiến nước mắm theo đúng phương pháp cổ truyền dễ dàng cạnh tranh với các loại thông thương.
Với sự nỗ lực của người dân địa phương, nước mắm Nam Ô sẽ khẳng định được vị thế là một món ngon Đà Nẵng hấp dẫn nhiều thực khách.
vntrip – Vntrip.vn