Ở phần 1, chúng tôi đã mang đến cho bạn 2 làng nghề truyền thống rất nổi tiếng mà bạn nên ghé khi tham quan Đà Nẵng. Ở phần 2 này, chúng tôi sẽ tiếp tục mang tới 2 làng nghề khác mà chỉ cần nghe tên thôi là bạn có thể nhớ tới thành phố Đà Nẵng, đó là làng nghề làm bánh bảy lửa và làng nước mắm Nam Ô.
Nhiều làng nghề truyền thống ngày nay đang bị mai một (Ảnh sưu tầm) |
Làng nghề bánh khô mè Cẩm Lệ – “bánh bảy lửa”
Khi đến tham quan Đà Nẵng, bạn sẽ được chứng kiến cách làm bánh khô mè Cẩm Lệ một cách hoàn toàn thủ công do đó nó trở nên vô cùng nổi tiếng về sự cầu kỳ cũng như chất lượng của bánh. Gạo nếp là nguyên liệu chính để tạo nên món bánh này, phải chọn được thứ gạo nếp thơm loại ngon, chế biến bằng cách giã chứ không xay.
Bên cạnh đó, bánh có hương vị rất đặc trưng do được nướng nướng bằng bếp than. Điều đặc biệt của bánh khô mè đó là dù nguyên liệu có đơn giản, nhưng với cách làm khéo léo, tỉ mỉ, công phu, những nguyên liệu đơn giản ấy lại tạo thành chiếc bánh thơm ngon. Bánh khô mè được bọc lớp mè rất đều và trải qua 7 lần nướng, nên bánh rất giòn, thơm ngon đến lạ lùng.
Những chiếc bánh khô mè ngon ngọt mềm xốp sẽ kích thích mọi giác quan của bạn (Ảnh sưu tầm) |
Cái tên bánh bảy lửa được hình thành nhờ cách thức tạo ra nó, nhưng bánh trở nên nổi tiếng không chỉ bởi cái tên lạ mà còn bởi hương vị của nó đọng lại nơi vị giác của du khách sau khi thưởng thức. Chiếc bánh khô mè bảy lửa vừa xốp vừa giòn, có vị ngọt của đường, vị bùi của mè và chút thanh của gừng. Khi bẻ đôi chiếc bánh, bạn sẽ nhìn thấy đường tơ vàng óng ánh kéo ra. Và chỉ có những đôi bàn tay khéo léo mới tạo ra được những sản phẩm như thế tại địa điểm du lịch Đà Nẵng.
Chiếc bánh khô mè thơm giòn phải trải qua 7 lửa mới tạo thành (Ảnh sưu tầm) |
Nếu bạn có dịp đến tham quan Đà Nẵng, đừng quên dành thời gian để đến tham quan làng nghề bánh Khô Mè ở Cẩm Lệ. Tới nơi đây rồi du khách đừng quên nếm thử những chiếc bánh mè mới ra lò nóng hổi nhâm nhi cùng vài chén trà xanh của Cẩm Lệ, chắc bất cứ ai cũng thỏa lòng khi khám phá và cảm nhận được cái hồn quê chân chất của nơi đây.
Làng nghề nước mắm Nam Ô – Nơi lưu giữ hương vị của biển miền Trung
Làng nghề sản xuất nước mắm Nam Ô được hình thành đầu thế kỷ XX. Làng nằm ven theo vịnh Kim Liên và vịnh Nam. Nói đến nước mắm Nam Ô, có thể nói ngay đây là đặc sản của người xứ Quảng. Nó có tiếng tăm trên cả thị trường trong nước và ngoài nước. Nước mắm Nam Ô không chỉ có tiếng mà còn “sực nức” cả một quãng đường xuyên Việt dài hơn cây số. Khách thập phương ngang qua đây nghe dậy lên mùi nước mắm không lẫn vào đâu được, cứ vương vất người xe qua lại.
Nước mắm Nam Ô là đặc sản của người dân xứ Quảng (Ảnh sưu tầm) |
Điều đặc biệt tạo nên thương hiệu mắm Nam Ô, có lẽ chính là nằm ở công thức chế biến. Thứ nguyên liệu chủ chốt mà những người dân chài lựa chọn để tạo ra nước mắm Nam Ô đó là cá cơm than được đánh bắt vào tháng ba âm lịch (vì nó có độ đạm rất cao).
Người ta chọn lấy những con cá vừa phải, và nhất định không được rửa bằng nước ngọt vì nó sẽ làm cá mất ngon và mất đi cái vị của biển cả. Bên cạnh đó, để có được nước mắm tinh chất, thơm đậm, phải muối cá bằng chum làm bằng gỗ mít, dưới đáy chum phải chèn sạn, chổi đót và phải lọc nước mắm bằng chuộc như thế mới tạo nên một món ngon đặc trưng của Đà Thành.
Một điều quan trọng nữa là muối ướp cá phải là thứ muối lấy từ những vựa muối lớn như Nha Trang (Khánh Hòa), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) hay Cà Ná (Bình Thuận). Hạt muối to, già, trắng tinh, được nắng, mang về đổ trên nền xi măng khô ráo, phơi trong năm đến bảy ngày cho chảy hết chất nước đắng, sau đó cho vào vại cất vài năm trước khi đem làm.
Nước mắm Nam Ô thơm ngọt, điểm xuyết thêm chút ớt đỏ tươi sẽ làm cho bữa ăn của bạn thêm phần ngon miệng (Ảnh sưu tầm) |
Qua biết bao thế kỷ tồn tại và phát triển, đến nay, làng nghề nước mắm Nam Ô vẫn lưu giữ được những bí quyết về kỹ thuật, những kinh nghiệm dân gian để sản xuất ra thứ nước mắm thơm đậm, sánh mịn. Đây là thứ không thể thiếu và luôn hiện diện trong bữa ăn hàng ngày của người dân xứ Quảng.
Đến tham quan Đà Nẵng, du khách không thể bỏ qua những làng nghề truyền thống – nơi lưu giữ cái nghề và một phần nét văn hóa từ lâu đời của người dân nơi đây.
vntrip – Vntrip.vn