Một món ăn được xem đặc sản Đà Nẵng , sánh ngang với mì quảng, bánh xèo,
bánh tráng cuốn thịt heo… mà du khách không thể bỏ qua trong hành trình khám phá, du lịch Đà Nẵng đó là bê thui Cầu Mống.
Món bê thui Cầu Mống bắt nguồn từ đâu?
Bê thui Cầu Mống có nguồn gốc từ một ngôi là nhỏ nằm trên quốc lộ 1A thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 20km. Nhiều du khách du lịch đi ngang qua đây sẽ không khỏi ngạc nhiên vì sẽ thấy rất nhiều quán treo đùi bê lúc lắc trước quán, trông rất hấp dẫn, “khêu gợi”. Trước đây bê được thui bằng củi dâu nên thịt thơm ngọt, khi thui phải thêm lửa sao cho thịt bê khỏi bị cháy, không quá sống nhưng cũng không quá chín, giữ được màu hồng của thịt bê. Bây giờ người ta thui bê bằng than, nhưng thịt bê thui Cầu Mống vẫn là danh bất hư truyền và đã trở thành một món ăn đặc sản Đà Nẵng.
Bê thui Cầu Mống – Món ăn đặc sản Đà Nẵng (ảnh sưu tầm) |
Nghệ thuật chế biến bê thui Cầu Mống Đà Nẵng
Theo kinh nghiệm của những “lão làng”, muốn thịt bê thơm ngon thì trước tiên phải chọn bê,phải là bê mới lớn nặng khoảng 40-50kg. Sau khi cắt tiết, bỏ lòng, làm sạch thì bê được xiên vào thanh sắt dài rồi gác bê ngang qua ngọn lửa than đang đỏ để thui.
Nghệ thuật thui bê gần như là bí quyết gia truyền và hiện không còn nhiều người làm được, bởi thế đã tạo nên hương vị ẩm thực riêng biệt mang đậm bản sắc địa phương. Trước khi thịt bêđược đưa ra khỏi lò phải đạt đủ hai tầng thịt tái, chín rõ rệt, còn da thì phải chín đến độ trong suốt, đồng thời lại giòn mềm vừa phải.
Bê thui giòn, mềm vừa phải (ảnh sưu tầm) |
Thưởng thức bê thui Cầu Mống Đà Nẵng
Khi ăn, thực khách cần nhai thật kỹ mới có thể cảm nhận hết sự hòa quyện của đủ loại gia vị để nhớ mãi vùng đất này.
Món bê thui còn nổi tiếng bởi mắm cùng rau sống ăn kèm. Mắm nêm thường được lựa chọn bởi những vùng chài làm mắm nổi tiếng, pha thêm các gia vị như tỏi,ớt, gừng sao cho đậm đà vừa ăn. Rau ăn kèm với bê thui cũng rất phong phú, bao gồm loại rau quế, tía tô, xà lách, cải non, khế chua, chuối chát xắt lát mỏng, ngò thơm , húng, quế và giá đỗ… Nước chấm phải được pha từ loại mắm cái thượng hạng làm từ cá cơm, cá nục đánh bắt ven biển miền Trung. Mắm cái sau khi gạn ép xác, lọc lấy nước mới cho thêm tỏi ớt, gừng xay, mè rang, chanh… vào cho vừa miệng.
Bê thui Cầu Mống ăn kèm với mắm và rau sống (ảnh sưu tầm) |
Ăn bê thui Cầu Mống Đà Nẵng phải ăn cùng rau sống đủ loại của vùng quê bên sông nước, cuốn với bánh tráng mỏng chấm mắm cá cơm mới là đúng điệu. Đôi khi để thêm phần đa dạng thực khách có thể gọi thịt bắp, thịt ba chỉ, thịt mông, da… tuỳ thích. Cầm một miếng bánh tráng lề mỏng, gói ít rau sống, thêm lát chuối chát, đu đủ, bỏ một miếng bê thui, sau đó bẻ một ít bánh tráng nướng… cuộn tất cả lại, chấm vào chén mắm cá, vị ngon lan tỏa từ đầu lưỡi xuống đến cuống cổ.
Thưởng thức bê thui Cầu Mống ngon không cưỡng nổi (ảnh sưu tầm) |
Hiện nay, bởi sự nổi danh của món ăn này mà nhiều nhà hàng ở các tỉnh khác cũng lấy tên “bê thui Cầu Mống” để đặt tên cho món bê thui của quán mình. Nhưng muốn ăn bê thui ngon, đúng điệu nhất thì chỉ có thể là ở chính địa danh Cầu Mống.
Không nên bỏ qua cơ hội khám phá bê thui Cầu Mống (ảnh sưu tầm) |
Có lẽ vì vị ngon không dễ quên của bê thui Cầu Mống – món ăn đặc sản Đà Nẵng, và sự vang danh của món đặc sản xứ Quảng này nên tại nhiều nơi, các “dị bản” của món ăn cũng xuất hiện khá nhiều. Để thực sự thưởng thức đúng hương vị món bê thui Cầu Mống, thực khách cần tìm đến những nhà hàng uy tín hoặc do đúng đầu bếp Quảng Nam nấu bếp.
vntrip – Vntrip.vn