Cầu Long Biên là cây cầu được gọi với danh xưng “chứng nhân lịch sử” của nước ta. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, qua bao nhiêu biến cố của lịch sử, cây cầu vẫn ở đó, sừng sững hiên ngang, trở thành biểu tượng của một Hà Nội thật cổ kính.
Cầu Long Biên – biểu tượng của một Hà Nội đầy cổ kính (Ảnh: ST)
Đôi nét về cầu Long Biên
Hà Nội có cầu Long Biên
Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng
Tàu xe đi lại thong dong
Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi
(vè dân gian)
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua con sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên của Hà Nội. Cây cầu do Pháp xây dựng từ năm 1898 đến 1902 dưới thời Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Doumer. Cầu dài 2290m qua sông và 896m cầu dẫn, cầu gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ với lối kiến trúc độc đáo. Cây cầu được thiết kế với một đường sắt đơn chạy ở giữa còn hai bên là hai làn đường dành cho xe đạp và người đi bộ.
Có một điều mà ít người biết về cây cầu đó chính là việc nó đã từng là cây cầu dài thứ hai trên thế giới (chỉ sau cầu Brooklyn bắc qua sông East-River của Mỹ), thậm chí được gọi là tháp Eiffel nằm ngang của Hà Nội.
Cầu Long Biên đã từng là cây cầu dài thứ hai Thế giới (Ảnh: ST)
Những sự kiện lịch sử gắn với cây cầu
Cây cầu đã chứng kiến những dấu mốc quan trọng nhất của dân tộc hai cuộc kháng chiến lớn nhất của dân tộc ta chính là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và tiếp đến là cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Năm 1945, khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, cây cầu đã trở thành nhịp dẫn đưa hàng nghìn người dân ngoại ô đến với Bác, người dân vui và tự hào, hạnh phúc bao nhiêu thì cây cầu đều ghi lại giây phút đó.
Cầu Long Biên vào năm 1940 (Ảnh: ST)
Vào tháng 10/1954, Hà Nội ngập trong biển cờ hoa mừng ngày giải phóng thủ đô, cây cầu cũng đứng đó và chứng kiến niềm hân hoan của dân tộc. Và rồi 21 năm sau, cây cầu lại một lần nữa chứng kiến niềm vui độc lập thống nhất đất nước, miền Nam được giải phóng. Cứ như thế, trải qua hơn 100 năm lịch sử, cây cầu không còn là một hiện vật vô tri vô giác, nó như người bạn đồng hành cùng mỗi người dân và đất nước ta vậy.
Cây cầu đã chứng kiến những vui buồn của Thủ đô (Ảnh: ST)
Những hoạt động thú vị xung quanh cầu Long Biên
Ngắm Hà Nội trên cao
Cầu Long Biên chắc là cây cầu gắn với những kỉ niệm, cây cầu mà những bạn trẻ thường chạy xe ra dừng lại hóng gió một ngày hứng lên hay ngày nào đó cảm thấy bí bách cần một không gian thoáng đãng để thở. Cây cầu cũng là nơi các bạn sinh viên vẫn hay tụ tập ngồi lại đàn hát vui vẻ, là nơi lưu giữ những kỉ niệm tuổi trẻ của chúng ta.
Khung cảnh tấp nập và sầm uất xung quanh (Ảnh: ST)
Cafe Trần Nhật Duật
Quán cafe Trần Nhật Duật, tại tầng 4 với không gian mở có thể nhìn thấy cây cầu Long Biên xa xa. Đến đây bạn vừa có thể thưởng thức tách cafe, vừa chuyện trò và nhìn ra xa là cây cầu cổ kính, bãi đá sông Hồng, khu chợ sầm uất và cả một vùng không gian rộng lớn. Nơi đây sẽ cho bạn một góc nhìn khác về cầu Long Biên, đó là góc nhìn từ trên cao thay vì nhìn thẳng hay nhìn “hất” từ phía dưới bãi đá sông Hồng lên.
Góc chụp khiến ta mơ màng nhớ về Hà Nội những năm xưa cũ (Ảnh: ST)
Ăn ngô khoai nướng mùa đông
Mùa đông đến thì cầu Long Biên thực sự sẽ thành nơi lý tưởng nhất để ngồi lại ăn ngô khoai nướng, hưởng không khí lành lạnh gió rít bên tai và đưa tay tìm hơi ấm từ bếp lửa, hơi khoai nóng bốc lên ấm lòng vô cùng.
Hơ tay lấy hơi ấm mùa đông bên lò nướng ngô khoai (Ảnh: ST)
Ra bãi đá sông Hồng chụp ảnh
Bãi đá sông Hồng chắc không còn là địa điểm lạ lẫm gì đối với giới trẻ bởi nơi đây là điểm chụp quen thuộc của rất nhiều người, khung cảnh bao la, xanh bát ngát rộng lớn chắc chắn sẽ khiến bạn có những bức hình đẹp tựa như đang ở thảo nguyên nào đó vậy. Từ cầu Long Biên, bạn di chuyển xuống khu vực dưới chân cầu, đi sâu vào bên trong những con đường bị che khuất bởi cây cối phía dưới, hỏi đường người dân ở đây sẽ chỉ cho bạn đến địa điểm bãi đá sông Hồng nổi tiếng nhé.
Bãi đá sông Hồng xanh ngắt ngay chân cầu (Ảnh: ST)
Mai Linh – Vntrip.vn