Chùa Một Cột gọi theo ngữ Hán – Việt là Nhất Trụ Tháp hay Chùa Mật. Chùa còn có các tên gọi khác là Diên Hựu Tự hoặc Liên Hoa Đài. Ngôi chùa nằm trên con phố cùng tên thuộc Quận Ba Đình, Hà Nội. Đây là ngôi chùa được đánh giá có kiến trúc nghệ thuật độc nhất ở Việt Nam cũng như châu Á.
Chùa Một Cột – Kiến trúc nghệ thuật độc nhất châu Á (Ảnh: ST)
1. Chùa Một Cột thăng trầm cùng thời gian
Năm Kỷ Sửu 1049, trong tiết trời thu tháng Mười vua Lý Thái Tông cho khởi công xây dựng chùa Diên Hựu.
Chùa Diên Hựu, một tên gọi khác của chùa Một Cột (Ảnh: ST)
Trong sử sách đời vùa Lê Huyền Tông có ghi chép lại tại vị trí chùa Một Cột bây giờ có một cột đá phía trên có ngôi lầu ngọc, trong lầu ngọc có tượng Phật Quan Âm đã được dựng ở hồ nước vuông. Nhà vua thường lui tới tụng kinh niệm phật, cầu nguyện, sau hoàng tử nối dõi tu sửa lại thành chùa và dựng thêm một ngôi chùa bên cạnh cách 10 m về phía Tây Nam. Cụm di tích này được đặt tên Diên Hựu Tự với mong muốn “phước lành dài lâu”.
Phật bà Quan Âm trên đài sen (Ảnh: ST)
Trong chiến tranh chống Pháp chùa Một Cột đã bị quân viễn chinh Pháp cho đặt mìn phá hủy. Sau khi tiếp quản thủ đô Bộ Văn hóa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nghiên cứu lập dự án đại trùng tu xây dựng lại chùa Một Cột y như kiến trúc ban đầu.
Theo truyền thuyết dân gian truyền lại, trong một giấc chiêm bao vua Lý Thái Tông đã mơ thấy Phật bà Quan Âm đang tọa trên đài sen tỏa ánh hào quang và mời nhà vua lên cùng. Xung quanh tòa sen là một ao nước xanh ngọc có tên “hồ Linh Chiểu”. Tỉnh giấc chiêm bao nhà vua liền kể với bề tôi. Nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua nên dựng chùa trên trụ đá y như trong giấc mơ, làm tòa sen để Phật bà ngự ở trên.
Mặt nước hồ Linh Chiểu (Ảnh: ST)
Đến ngày mùng 8 tháng 4 Âm lịch hàng năm nhà vua tới đây làm lễ Tắm phật và lễ phóng sinh. Các vị sư thầy nổi danh khắp miền đều được mời về tham dự và làm lễ, người dân khắp thành Thăng Long cũng nô nức hưởng ứng cùng cầu mong những điều an lành nhất. Nhà vua thau sạch tay bằng nước sạch có ướp các loài hoa thơm để làm lễ tắm Phật. Lê Tắm Phật được tổ chức nhằm thể hiện sự tưởng nhớ đến ân đức bày tỏ niềm tôn kính sâu xa đối với Ngài. Sau khi thực hiện nghi lễ Tắm Phật, nhà vùa bước lên đài cao của chùa Một Cột để khai màn lễ phòng sinh bằng việc thả một con chim bay lên trời.
Lễ tắm Phật (Ảnh: ST)
Nguồn gốc của Lễ Tắm Phật xuất phát từ sự kiện Đản sanh của Thái tử Tất – Đạt – Đa tại vườn Lâm – Tỳ – Ni. Khi hoàng hậu Ma – Da đản sanh thái tử, từ trên không trung có hai dòng nước của hai vị Long vương là Nan – Đà và Ưu – Ba – Nan – Đà rưới xuống, một dòng nước ấm một dòng nước mát lạnh để tắm cho thái tử.
Nguồn gốc lễ tắm Phật từ sự kiện đản sinh (Ảnh: ST)
Năm 1105 vua Lý Nhân Tông cho tu sửa chùa và dựng thêm trước sân hai tháp lợp sứ trắng. Đến năm 1108 Nguyên Phi Ỷ Lan sai người đúc một chiếc chuông lớn đặt tên là “Giác thế chung” với ý nghĩa thức tỉnh lòng thế nhân. Đúc chuông xong nhưng do trọng lượng lên đến hàng vạn cân nên thời đó không treo lên được, cũng không gõ ra tiếng vì đặt chuông tiếp xúc mặt đất. Một thời gian sau di dời chuông ra một rộng sâu cạnh chùa Một Cột. Vì ở đây có rất nhiều rùa từ đó chuông được gọi theo địa điểm nó nằm: chuông Quy Điền. Chuông Quy Điền được xem là một trong tứ đại khí – bốn công trình lớn của Việt Nam thời đó: tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh và tượng Quỳnh Lâm.
Năm 1426 Lê Lợi cùng nghĩa quân Lam Sơn hành quân ra Thăng Long vây thành đánh quân Minh. Khi đó giặc Minh thiếu kim loại làm vũ khí, tướng Vương Thông sai phá chuông đúc vũ khí. Sau giặc Minh thua tháo chạy và chuông Quy Điền cũng không còn.
Có thể thấy nhà Lý là một triều đại rất sùng đạo Phật, thời này được coi là thời đại hoàng kim của đạo Phật trong lịch sử dân tộc.
Phật giáo phát triển nhất trong thời nhà Lý (Ảnh: ST)
Năm 1249, thời nhà Trần chùa Diên Hựu được sửa lại theo chiếu của vua Trần Thái Tông.
Đi cùng thăng trầm lịch sử dân tộc, đến năm 1955 chùa Một Cột Hà Nội được tôn tạo lại và bảo tồn cho đến nay Bên cạnh bên vẫn còn ngôi chùa có cổng tam quan với bức hoành phi ghi ba chữ “Diên Hựu Tự”.
Cổng tam quan (Ảnh: ST)
Năm 1962, quần thể chùa Một Cột ở Hà Nội đã được công nhận là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Quốc gia. Đến năm 2012, chùa Một Cột đã vinh dự được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á”.
2. Kiến trúc nghệ thuật của chùa Một Cột
Theo sử liệu thì kiểu kiến trúc chùa Một Cột đã xuất hiện ở một số nơi từ trước khi xây chùa. Ở cố đô Hoa Lư trong ngôi chùa Nhất Trụ nơi con gái vua Đinh Tiên Hoàng tu tập có dựng một cột đá cao tám cạnh, chạm hình đài sen, khắc bài kinh Lăng Nghiêm đề niên hiệu thời Lê Hoàn (981 – 1005). Như vậy, phong cách kiến trúc chùa Một Cột đã được hiện thực hóa thành một thực thể trong nghệ thuật cổ truyền dân tộc trước khi chùa Một Cột được xây dựng vào năm 1049.
Kết cấu nguyên bản của chùa Một Cột được đỡ bởi các dầm gỗ bám chắc cột đá. Cấu trúc của chùa Một Cột hiện nay gồm: Cột trụ, đài Liên hoa, mái chùa.
Các dầm gỗ bám chắc cột đá (Ảnh: ST)
Cột trụ của chùa một cột được dựng bằng 2 cột đá chồng lên nhau tạo thành khối trụ đứng có chiều cao 4 m chưa tính phần chìm phía dưới chân
Đường kính cột đá rộng 1,2 m làm người nhìn có cảm giác “vững như bàn thạch”.
Cột trụ đá (Ảnh: ST)
Đài Liên hoa có hình vuông mỗi cạnh 3 m, chắn song bao lơn xung quanh, được đỡ bằng hệ thống cột quân vững chắc, phía dưới là những dầm gỗ lớn được gắn trực tiếp lên trụ đá một cách chắc chắn. Các mối mộng được đục chính xác đến từng ly khớp nối vừa khít với nhau tạo nên cấu trúc vô cùng vững chãi.
Đài Liên Hoa (Ảnh: ST)
Bên trong đài Liên Hoa được bài trí lộng lẫy sang trọng, có một án thờ bên trên đặt tượng Phật bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay mạ vàng. Xung quanh bày biện nhiều đồ thờ: đôi lục bình gốm sứ, bình cắm hoa sen, bộ ấm chén thờ, lư hương bằng đồng. Ban thờ được sơn son thiếp vàng trang trí nhiều họa tiết hình vân mây màu vàng. Trên trần phía trong cùng đặt tấm hoành phi nhỏ ghi 3 chữ vàng “Liên Hoa Đài” trên nên sơn đỏ.
Nơi đặt tượng thờ Phật bà Quan Âm (Ảnh: ST)
Đôi lục bình (Ảnh: ST)
Mái chùa được lợp bằng ngói vảy truyền thống màu đỏ gạch phủ lớp rêu phong thời gian. Mỗi viên ngói như biểu hiện của sự kỳ công, tỉ mỉ của người thợ làm ra. Khi lợp ngói khó nhất công đoạn ghép ngói ở góc xối sao cho không hở một khe nào, vì đây là vị trí tiếp giáp giữa bốn cạnh của mái chùa thường có khe hở. Muốn lợp ngói ở vị trí này thuận tiện thì ngay từ công đoạn đóng sối ghép các mối mộng phải thực sự kín kẽ và ăn khớp nhau.
Mái chùa Một Cột với ngói vảy rồng (Ảnh: ST)
Chùa Một Cột có bốn mái cong đầu đao vút lên trời hay còn gọi là “tàu đao”. Mái chùa được đỡ bằng hệ thống thanh bẩy vươn ra sát phía dưới. Trên đỉnh mái chùa đắp hình “lưỡng long chầu mặt nguyệt”, đây là nét kiến trúc đặc trưng trong các chùa, chiền, đình, miếu. Hình lưỡng long uốn mình quay đuôi về phía nhau nhưng đầu đều hồi hướng về mặt nguyệt. Nét kiến trúc này biểu tượng cho sự sinh sôi, âm dương hài hòa.
Đôi long tượng trưng cho khí dương, hình mặt nguyệt tượng trưng cho khí âm. Tổng lại thành con số ba của sự sinh sôi nảy nở, cũng vì lẽ đó khi đi chùa người ta hay thắp 3 nén nhang là biểu trưng cho 3 vật thể trong “lưỡng long chầu mặt nguyệt”. Đây là một hình ảnh mang đậm chất nhân văn trong kiến trúc nghệ thuật tâm linh của dân tộc.
Mái cong đầu đao (Ảnh: ST)
Lưỡng long chầu mặt nguyệt (Ảnh: ST)
Hoa sen được xem như biểu trưng trong văn hóa Phật giáo, gợi đến cho người ta những đức tính lương thiện, kiên nhẫn, không nhiễm tạp, hành trực … Liên Hoa Đài được tạo tác theo hình tượng bông sen đặt trên trụ đá cao giữa lòng hồ Linh Chiểu như đang vươn mình hướng lên thoát khỏi thế tục. Một hình ảnh vô cùng thanh tao, thuần khiết và độc đáo.
Hồ Linh Chiểu có tường hoa bao quanh trang trí bằng những họa tiết hình khối. Bên ngoài có đào thêm một hồ lớn nữa là hồ Bích Trì. Hồ Bích Trì thuộc trong khuôn viên chùa Diên Hựu nằm bên phải chùa Một Cột. Trước sân chùa Diên Hựu đựng tháp đá Bạch Tuynh, từ tháp đá có cầu nhỏ dẫn vào chùa Một Cột.
Hồ Linh Chiểu được phủ xanh lá sen (Ảnh: ST)
Vào ngày rằm, mùng Một hàng tháng bạn quan lý tổ chức khánh tiết lau dọn và thực hành lễ cúng trong chùa. Người dân cũng hay đến tham quan và chiêm bái từ xa. Mùa hè chùa mở của đón khách vào tất cả các ngày trong tuần, đến mùa đông đóng cửa tất cả các ngày thứ Hai và thứ Sáu trong tuần. Vào chùa tham quan không mất phí.
Thắp hương ngày Rằm, mùng Một (Ảnh: ST)
Khách tham quan chùa Một Cột (Ảnh: ST)
3. Biểu tượng chùa Một Cột
Biểu tượng của thủ đô Hà Nội
Mỗi khi đến Hà Nội, đặc biệt nhắc đến văn hóa tâm linh ai cũng nghĩ tới cái tên chùa Một Cột. Như một biểu tượng quen thuộc của thủ đô chùa Một Cột xuất hiện trong nhiều sách, báo và cả chương trình giáo dục.
Biểu tượng của thủ đô Hà Nội (Ảnh: ST)
Trong Thành phố Hồ Chí Minh cũng có một phiên bản chùa Một Cột được xây dựng ở Quận Thủ Đức năm 1958.
Chùa Một Cột trong lòng thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: ST)
Biểu tượng trên mặt đồng tiền kim loại 5000 VNĐ
Ta còn thấy hình chùa Một Cột từng được in nổi trên mặt đồng xu kim loại 5000 VNĐ như một hình ảnh đầy tự hào, thể hiện sự duy trì bảo tồn và phổ biến nét độc đáo của chùa Một Cột.
Biểu tượng chùa Một Cột trên đồng tiền Việt Nam (Ảnh: ST)
Biểu tượng của sự trí tuệ, trường thọ
Đến với chùa Một Cột người ta thường cầu cho trí tuệ viên mãn, sinh khí tràn đầy. Qua những nét kiến trúc nghệ thuật vô cùng nhân văn văn đẹp đẽ như sự tinh khôi thanh thoát của cánh sen biểu trưng cho trí tuệ viên mãn. Cột trụ hình trụ – dương khí nằm giữa hồ Linh Chiểu – âm khí kết hợp mang đến sự sinh sôi trường thọ nối tiếp.
Mong rằng qua bài viết đã cung cấp cho bạn thêm nhiều thông tin thú vị về chùa Một Cột, một biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.
Minh Đạt – Vntrip.vn