Là thành phố trung tâm của tỉnh Khánh Hòa, vị trí địa lý của Nha Trang sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi, không chỉ có tiềm năng về phát triển du lịch, Nha Trang còn là tổng hòa của nhiều yếu tố khác, từ tự nhiên cho tới nhân văn đa dạng. Hãy cùng tìm hiểu những đặc điểm làm nên sự phát triển của Nha Trang.
Vị trí địa lý của Nha Trang
1.Vị trí và diện tích
Nha Trang là một thành phố ven biển và là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, du lịch và khoa học kỹ thuật của Khánh Hòa. Trên bản đồ Việt Nam, vị trí địa lý của Nha Trang nằm ở tọa độ 12°15’53″N (Bắc) 109°13’41″E (Đông). Phía Bắc Nha Trang giáp thị xã Ninh Hòa, phía Nam giáp huyện Cam Lâm, phía Đông giáp Biển Đông với huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa và phía Tây giáp huyện Diên Khánh. Hiện nay, diện tích tự nhiên của Nha Trang là 251 km2, chưa tính diện tích các đảo và vịnh biển.
Bản đồ hành chính thành phố Nha Trang, Khánh Hòa (ảnh sưu tầm)
2. Điều kiện tự nhiên
Thành phố Nha Trang có điều kiện tự nhiên đa dạng từ địa hình, khí hậu, cho tới điều kiện thủy văn. Trước hết, địa hình Nha Trang có sự phân hóa phức tạp, thay đổi từ độ cao 0-900m so với mực nước biển và được chia làm 3 vùng địa hình chính là: vùng đồng bằng duyên hải và ven sông cái; vùng chuyển tiếp và các đồi núi thấp; và cuối cùng là vùng núi cao có độ dốc trên 15 độ phân bố ở 2 đầu Bắc và Nam của thành phố. Đặc biệt là bờ biển Nha Trang sở hữu rất nhiều bãi biển và vịnh biển đẹp, có giá trị du lịch cao.
Vịnh Nha Trang xinh đẹp thu hút du khách (ảnh sưu tầm)
Về điều kiện thủy văn, Nha Trang có nhiều sông suối, tập trung ở 2 hệ thống sông chính là sông Cái và sông Quán Trường, đều chảy theo hướng Tây Đông qua thành phố và chảy ra Biển Đông. Hai dòng sông là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho các hoạt động công-nông nghiệp, du lịch, dịch vụ và sinh hoạt của người dân. Cũng là nguồn bồi đắp phù sa cho vùng đồng bằng châu thổ các sông lớn.
Điều kiện khí hậu của Nha Trang là khí hậu xavan với ảnh hưởng lớn của khí hậu đại dương. Do vậy, thời tiết ở Nha Trang tương đối ôn hòa quanh năm, nhiệt độ trung bình là 26,3 độ C, khá thuận lợi cho phát triển du lịch cả bốn mùa.
3. Đặc điểm dân cư và xã hội
Thành phố Nha Trang là một trong 4 đô thị loại 1 ở Việt Nam với trình độ phát triển kinh tế – xã hội của vùng khá cao. Thành phố chia làm 27 đơn vị hành chính cơ sở, với 19 phường và 8 xã với dân số trên 393,218 dân (số liệu 31/12/2010). Với vị trí địa lý của Nha Trang thuận lợi nằm trên trục đường bộ, đường sắt và đường hàng không, là cửa ngõ phía đông của Tây Nguyên và cũng nằm gần tuyến hàng hải quốc tế quan trọng của Việt Nam, Nha trang đã khai thác tốt những ưu điểm của mình để phát triển mạnh mẽ.
- Đường bộ: có quốc lộ 1A chạy qua theo hướng Bắc Nam và quốc lộ 1C nối trung tâm thành phố với quốc lộ 1A, là trục giao thông quan trọng.
- Đường hàng không: Nha Trang trước sử dụng sân bay ngay tại thành phố cho tất cả các chuyến bay, nhưng này chỉ sử dụng để phục vụ cho mục đích du lịch và dịch vụ. Hoạt động thương mại sẽ chuyển sang sân bay quốc tế Cam Ranh.
- Đường sắt: Nằm trên tuyến đường sắt Thông Nhất Bắc Nam, đường sắt từ Nha Trang có thể dễ dàng liên kết với các tỉnh còn lại của Việt Nam.
Cảng hàng không Cam Ranh, Khánh Hòa (ảnh sưu tầm)
Hiện nay, tại thành phố Nha Trang tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, học viện và các trung tâm nghiên cứu lớn của tỉnh Khánh Hòa. Chính vì lợi thế dân cư và xã hội như vậy, đây là một trung tâm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ cho Khánh Hòa mà cả vùng Nam Trung Bộ nói chung.
4. Tình hình phát triển kinh tế
So với các địa phương khác ở miền Trung, nền kinh tế Nha Trang tương đối phát triển, với GDP bình quân hàng năm đạt 3184 USD, tốc độ tăng bình quân hàng năm là 13-14%. Cơ cấu kinh tế thành phố cũng chuyển đổi theo hướng tích cực, tăng cơ cấu công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Với vai trò là động lực kinh tế phát triển chính của Khánh Hòa, Nha Trang đang có nhiều đóng góp đáng kể, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các địa phương còn lại, với 82,5% doanh thu từ du lịch-dịch vụ và 42,9% giá trị công nghiệp toàn tỉnh.
Thành phố Nha Trang phát triển hiện đại (ảnh sưu tầm)
Thương mại – dịch vụ – du lịch là ba mũi nhọn kinh tế chính của thành phố, đã mang lại vị thế quan trọng cho Nha Trang, đặc biệt là các hoạt động du lịch, vui chơi, nghỉ dưỡng, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với thành phố biển xinh đẹp này ngày càng tăng. Đồng hành với du lịch đã kéo theo sự phát triển của các dịch vụ tài chính – ngân hàng, xây dựng và dịch vụ khách sạn – nhà hàng phát triển đa dạng và chất lượng dịch vụ tốt.
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Nha Trang (ảnh sưu tầm)
Về công nghiệp, cũng là một ngành nghề quan trọng của thành phố với nhiều cơ sở công nghiệp và thủ công nghiệp. Cơ cấu công nghiệp chủ yếu là các ngành chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, dệt may, đóng tàu và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
Nha Trang đang sở hữu rất nhiều lợi thế cho phát triển toàn diện kinh tế cũng như dân cư xã hội của vùng. Hy vọng với các thông tin khái quát nhất về vị trí địa lý của Nha Trang như trên, theo tổng hợp của VNTRIP, sẽ giúp các bạn có thêm cái nhìn toàn diện về thành phố biển xinh đẹp và giàu tiềm năng này.
Kim Huan – Vntrip.vn