Ở Việt Nam, tất cả mọi người đều rất quen thuộc với món cháo. Tùy theo điều kiện, sở thích và từng vùng địa lý mà người dân có thể chế biến hàng chục loại cháo khác nhau. Đơn giản như cháo thịt băm, cháo đậu, cháo sườn… Người có điều kiện hơn thì dùng cháo bồ câu, cháo gà, cháo cá… Người Tày ở Sa Pa có ba món cháo ngon, bổ, lạ là cháo nhộng ong, cháo lươn và cháo tắc kè.
Cháo nhộng ong
Người Tày ở Sa Pa biết hàng chục loại ong khác nhau, có loại chuyên lấy mật, loại khác lại cho những vị thuốc quý, sáp ong. Trẻ con thì dùng nhộng ong làm mồi câu cá.
Trong đó, loài ong vò vẽ là nỗi kinh hoàng cho con người và gia súc nếu mon men đến gần tổ chúng hoặc không may giẫm vào tổ ong dưới đất. Nhưng chính loại ong hung dữ này lại có rất nhiều nhộng. Nhộng ong là món ăn rất ngon và bổ dưỡng. Những con nhộng ong trắng nõn, to gần bằng ngón tay út có một sức hấp dẫn to lớn với những người sành ăn.
Đến những em nhỏ địa phương khi lấy tổ ong cũng biết thưởng thức món ngon Sa Pa này. Tổ nhỏ ít nhộng, các em dùng để câu cá hoặc ăn sống. Nếu gặp tổ to, các em cũng tổ chức nấu cháo ngay tại bãi chăn trâu. Tuy nhiên, những tổ ong to có đến vài cân nhộng thì chỉ những người lấy ong sành sỏi mới dám động vào.
Cháo nhộng ong (Ảnh sưu tầm) |
Món cháo nhộng ong vẫn được coi là món ăn đặc sản Sa Pa lại có cách chế biến giản đơn vô cùng. Người nấu chỉ cần thả một phần nhộng tươi vào nồi, phần còn lại đem rang thơm với hành, mỡ rồi cho tất cả vào nồi cháo. Người nào thích nhâm nhi thì lấy một ít nhộng ong rang này nhắm cùng rượu thì say lúc nào chẳng hay.
Nếu để trả lời cháo nhộng ong ngon thế nào thì người Tày sống ở Sa Pa sẽ trả lời: Ai đã từng bị ong vò vẽ đốt thì sẽ biết thế nào là cảm giác mạnh. Nhưng vị ngon của cháo nhộng ong còn mạnh hơn nhiều lần. Chính hương vị ngon ngọt độc đáo của món cháo này đã khiến biết bao người bất chấp hiểm nguy để tìm tổ ong và nhộng ong.
Một tổ ong cỡ lớn (Ảnh sưu tầm) |
Ngoài nấu cháo, nhộng ong rang hay gỏi nhộng ong cũng là những món ăn rất ngon và bổ dưỡng.
Cháo lươn
Nói đến món ăn ở Sa Pa của người Tày, những người sành ăn khó có thể bỏ qua món cháo lươn. Nơi nào có ruộng lầy thì ở đó sẽ có lươn mà người Tày lại vốn quen với đồng ruộng nên rất thạo nghề bắt lươn, bắt ếch.
Theo người dân nơi đây, chỉ cần bắt được khoảng một cân lươn là họ đã nấu được nồi cháo đủ cho 5 – 6 người ăn. Nếu có gạo mới thơm, nhiều nhựa lại gặp người nấu “thạo nghề” thì thực khách sẽ được thưởng thức một món cháo lươn thơm ngon, đúng vị đặc trưng.
Cháo lươn (Ảnh sưu tầm) |
Gạo được đãi sạch cho vào nồi, đổ đủ nước, đun nhỏ lửa. Lươn được chọn những con to, màu vàng sẫm. Đầu bếp dùng lá mướp hoặc lá bí đỏ vuốt cho sạch nhớt trên mình lươn rồi dùng dao sắc chặt đuôi, thả lươn vào nồi cháo, đậy vung lại. Đợi cho lươn vừa chín tới thì vớt ra, gỡ bỏ lòng, bỏ xương. Thịt lươn băm nhỏ, một nửa cho lại vào nồi cháo nấu cho nhừ, nửa còn lại đem rang thơm với mỡ, muối, gia vị. Lúc này đầu bếp không quên gia thêm chút rượu và rau răm.
Nồi cháo lươn không cần cho thêm bột ngọt, bởi loại gia vị này sẽ làm giảm sự ngon ngọt tự nhiên của cháo. Khi ăn, cháo được múc ra bát to, cho thêm thịt lươn rang. Người Tày vẫn nói: nếu có đủ lươn thì ngày nào cũng có thể ăn cháo.
Lươn om – món ăn bổ dưỡng dành cho phụ nữ nuôi con nhỏ (Ảnh sưu tầm) |
Không chỉ là một món ngon, lươn còn là một loại thực phẩm giúp lợi sữa. Những người phụ nữ thiếu sữa chỉ cần dùng thịt lươn om với nghệ sẽ nhanh chóng thấy được hiệu quả của món ăn này.
Cháo tắc kè
Một món ăn ngon tại Sa Pa nữa chính là cháo tắc kè. Loài vật này rất quen thuộc của núi rừng Sa Pa. Tiếng tắc kè vang lên làm cho những bản làng xa bớt hiu quạnh. Không những thế, theo người dân địa phương, con vật này còn giống như một “nhà khí tượng học” đáng tin cậy, nếu chúng kêu lẻ tiếng thì trời nắng, chẵn tiếng thì trời mưa.
Ngoài ra tắc kè còn có giá trị cao bởi là vị thuốc quý có tác dụng tăng cường sinh lực. Trẻ con gầy yếu, suy dinh dưỡng hay người mới ôm dậy muốn phục hồi sức khỏe chỉ cần ăn cháo tắc kè. Đây là món này vừa ngon lại vừa bổ dưỡng.
Cháo tắc kè (Ảnh sưu tầm) |
Người dân Sa Pa chọn con to, khỏe, đuôi lành lặn, lột da, bỏ ruột gan, rửa sạch bằng rượu rồi băm nhỏ cả xương. Khi nấu, họ cho tắc kè vào chảo phi hành mỡ, nêm muối, tiêu cho giòn. Sau đó, thịt này cho vào cháo ăn nóng. Món ăn chỉ giản dị vậy thôi mà không hề dễ kiếm; mộc mạc vậy thôi mà lại vô cùng thơm ngon.
Trong mỗi chuyến du lịch ở Sa Pa, ngoài việc khám phá các danh lam thắng cảnh, tìm hiểu nền văn hóa của các dân tộc thiểu số, thì du khách nên tự mình nếm thử hương vị của những món đặc sản địa phương. Đây sẽ là một lựa chọn thú vị và rất đáng để trải nghiệm.
vntrip – Vntrip.vn