Trong những ngày trời quang mây tạnh, nếu đã từng đứng trên núi Hàm Rồng, phóng tầm mắt qua thung lũng Mường Hoa mà ngước nhìn lên, rất có thể du khách sẽ được trông thấy đỉnh Fansipan – nóc nhà của Đông Dương hiện lên mờ ảo. Trong tour du lịch Sa Pa, đỉnh Fansipan luôn là một địa điểm thách thức những người ưa mạo hiểm.
Cũng không ai biết vì sao đỉnh Fansipan lại có hấp lực lớn đến vậy? Do đỉnh núi cao? Do sự hoang dã? Hay do sự ham thích “chủ nghĩa xê dịch”? Không ai có thể trả lời được. Chỉ biết được rằng, du khách đến đây chưa bao giờ từ bỏ tham vọng chinh phục đỉnh núi này.
Chuẩn bị lên đường
Muốn lên được Fansipan, trước kia, du khách chỉ có cách đi tàu cả đêm đến thành phố Lào Cai rồi bắt tiếp ô tô để lên Sa Pa. Từ sau khi đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai được mở, xe ô tô đã có thể lên thẳng Sa Pa.
Sa Pa lúc chập choạng chiều, nhiệt độ hạ thấp, chỉ còn khoảng 15 độ, lạnh co ro. Nơi này có độ cao 1560m, nếu đúng như nguyên tắc lên cao 100m nhiệt độ giảm đi 1 độ thì đỉnh Fansipan 3143m cùng thời điểm sẽ lạnh âm 1 độ. Và càng khuất bóng mặt trời, nhiệt độ sẽ càng xuống thấp. Đêm Sa Pa vẫn luôn buồn bã, tĩnh lặng; chỉ có sương giá và váy hoa xòe ngược xuôi. Du khách thường nghỉ ở Sa Pa một đêm, chờ bình minh lên để bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh cao.
Toàn cảnh Sa Pa nhìn từ trên cao (Ảnh sưu tầm) |
Sáng sớm, Sa Pa lạnh tê người. Trời xanh ngăn ngắt. Hầu hết du khách muốn leo Fansipan đều thuê những người bản xứ gùi đồ lên đỉnh. Những người này sẽ chịu trách nhiệm vào chợ mua mì tôm, lương khô, gà đã làm sạch, thịt bò thái sẵn, thịt lợn, gạo, trứng, muối… và buộc đồ đạc của du khách cũng như túi ngủ vào gùi mây. Mỗi chiếc gùi mây nặng đến vài chục cân, những người gùi đồ sẽ lấy công khoảng 200.000 đến 250.000 đồng/ngày.
Nhiều người thắc mắc, ở trên núi nếu có nhiều sương hoặc gặp mưa thì chỉ có ăn thịt luộc chứ sao có thể xào được? Nhưng chỉ cần cho thịt bò vào chảo, đổ dầu ăn và rượu mạnh vào, rồi vừa xóc vừa hất, trời mưa mấy cũng sẽ có thịt bò xào.
Vậy tại sao bắt buộc phải mang theo nến? Chính là để hơ nóng cho sáp nến chảy ra, nhỏ xuống cành cây mà nhóm bếp, phòng khi phải dừng lại cắm trại ở đoạn rừng ẩm ướt. Ở trên núi cao, mọi người chủ yếu ăn mì gói, không ai nấu được cơm do áp suất không khí giảm xuống thấp khiến cho nước dù đã sôi rất lâu nhưng gạo mãi không chín.
Điểm bắt đầu hành trình lên đỉnh Fansipan tại Trạm Tôn (Ảnh sưu tầm) |
Từ Sa Pa, du khách đi xe lên tới Thác Bạc, rồi Trạm Tôn – đây cũng là những danh lam thắng cảnh ở Sa Pa. Hẳn là rất ít người qua lại trên con đèo Hoàng Liên Sơn dữ dằn có hạng này (có thể so sánh với nơi này với đèo Pha Đin – Điện Biên và Cổng trời – Hà Giang). Đường đèo này là con đường cao nhất của cả Đông Dương.
Đến Trạm Tôn, không khí lạnh ùa tới kích thích mạch máu chảy nhanh hơn, đầu óc tỉnh táo hơn, khiến cho du khách có cảm giác hưng phấn xen lẫn lo lắng. Hành trình leo lên đỉnh Fansipan chính thức bắt đầu.
Hành trình khó khăn
Dãy Hoàng Liên Sơn là vương quốc của những đỉnh núi chọc trời quanh năm náu mình trong mây mù như đỉnh Tả Yàng Phình, Pu Song Sung… tuy nhiên, đỉnh Fansipan vẫn nổi bật nhất. Fansipan là xứ sở của những hiện tượng tự nhiên khắc nghiệt, của núi cao, mây mù và thung sâu. Đỉnh núi cao đến hơn 3000m, thời tiết có thể nguy hiểm đến thế nào? Vào mùa lạnh, băng tuyết bao trùm kín đỉnh núi, không ai dám leo lên Fansipan.
Một phần của dãy Hoàng Liên Sơn (Ảnh sưu tầm) |
Đường lên núi vẫn có rừng cây bao bọc, nhiệt độ chỉ khoảng 10oC, nhưng chẳng mấy chốc mồ hôi đã chảy đầy mình du khách. Một màu xanh của lá cây tràn ngập bên dưới màu xanh ngắt của bầu trời. Nắng đã lên, trườn qua các sườn đồi thấp, xuyên thủng những vòm cây cổ thụ và sương sớm trong thung sâu. Tuy nhiên, du khách chớ nên quá vui mà đi nhanh. Bạn phải nhớ thở bằng mũi, dù có mệt cũng không được thở bằng miệng vì rất dễ bị sưng phổi.
Không ở đâu khiến người ta có cảm giác rõ ràng hơn về những biến động ghê gớm của tự nhiên đã xảy ra từ những thời kì cổ xưa như ở Fansipan. Bước chân trên đất đá của Fansipan là bước trên mảnh đất hàng chục triệu năm tuổi đầy mạnh mẽ và vững chãi. Và từng ngọn lá, cọng cỏ mà du khách nhìn thấy, sờ thấy hay vô ý giẫm đạp lên đều là những kẻ chiến thắng trong một cuộc đấu tranh sinh tồn dai dẳng.
Cheo leo đường lên đỉnh Fansipan (Ảnh sưu tầm) |
Quãng đường chinh phục đỉnh núi khá hiểm trở, hết thung sâu lại tới đèo cao, lên được tới đỉnh đèo cao lại tụt xuống thung sâu. Nhiều đoạn đã được bắc thang sẵn. Nhưng lúc này, đôi chân của người leo núi bắt đầu mỏi mệt. Không ai còn dám cười nói nữa mà phải dành dụm từng hơi thở, từng bước chân. Tuy nhiên lúc này, du khách phải chịu khó đứng, bởi ngồi lâu sẽ chùn gối. Bạn có thể đi hai bước, lại nghỉ một bước để giữ sức, bởi đường còn xa lắm.
Tiết trời nắng gắt, làm bỏng rát những phần da thịt để hở như cổ, trán, gò má, nhưng chỉ cần dừng lại một chút phanh áo ra, người leo núi có thể bị ngấm lạnh. Đi đường rừng rất nhanh đói, ai cũng vừa đi vừa trệu trạo nhai đồ khô.
Trên đường đi, du khách có thể gặp cảnh tượng hoa đỗ quyên nở tràn ngập như bảy sắc cầu vồng trên các triền rừng; hay cảnh tượng một ngọn núi bị sét đánh đến nỗi vách đá bị xé toạc, rạch ngang dọc.
Sắc đỗ quyên trên sườn Fansipan (Ảnh sưu tầm) |
Đến khoảng 4h chiều, khi đã đạt đến độ cao gần 2900m, các đoàn leo núi thường nghỉ ngơi, quây bạt hạ trại. Mọi người phân công nhau tìm chặt trúc rải xuống đất làm đệm ngủ để tránh hơi lạnh xông lên từ lòng núi hoặc đi lấy nước, nhóm lửa, nấu ăn.
Ban đêm, trời lạnh buốt, cả khu rừng âm u tịch mịch. Không khí trở nên nặng nề bởi ở trên cao, khí loãng lại rậm rạp cây cối. Đêm xuống, cây nhả khí CO2 khiến một số người leo núi thấy khó thở. Giữa nền trời tối đen, mặt trăng lung linh rạng ngời soi sáng cả vùng núi non. Khung cảnh ấy dường như phần nào xua tan những mệt mỏi ban ngày cho những người leo núi.
6h sáng, du khách thức dậy tiếp tục chinh phục nốt quãng đường còn lại của danh thắng Sa Pa này. Đường rừng chỗ sáng, chỗ lại âm u. Nền đất dễ lún vì lớp lá mục lưu cữu từ bao đời, có chỗ dày tới hàng mét. Sáng sớm cũng là lúc trời lạnh nhất trong ngày. Ở những vũng nước nhỏ có thấp thoáng băng mỏng. Nhiệt độ có lúc giảm xuống đến âm 4, âm 5 độ C.
Chinh phục đỉnh cao
Nóc nhà Đông Dương nằm khuất sau một gờ đá dốc ngược. 9h sáng, đoàn du khách đến nơi hò hét vang trời vì phấn khích, sung sướng. Một cảm giác dễ chịu lan tỏa khắp cơ thể. Nắng chói chang. Gió mạnh và lạnh buốt. Trước mắt, một cõi giang sơn hùng vĩ trải dài bốn phương tám hướng. Từ đây, du khách không nhìn thấy dải Trường Sơn, nhưng vẫn cảm nhận được sự dài rộng của non sông gấm vóc.
Cột mốc trên đỉnh Fansipan (Ảnh sưu tầm) |
Đỉnh Fansipan rộng chưa đầy 100m2, ở giữa lộ ra trơ trụi một mỏm đá, trên đó đặt mốc 3143m. Theo người dân địa phương, tháp inox nặng 25kg này phải thay thường xuyên vì gió núi mưa rừng làm mờ hết sơn. Ngay tại nơi cao nhất này, trên những rìa đất hiếm hoi vẫn mọc lên hoa đỗ quyên, trúc phất trần… Sức sống, sức chiến đấu của những loại thực vật ở nơi này thật mạnh mẽ và mãnh liệt.
Biển mây nhìn từ đỉnh Fansipan (Ảnh sưu tầm) |
Những năm gần đây, việc chinh phục Fansipan đã được tổ chức một cách có hệ thống và được đưa vào trong các tour tham quan Sa Pa. Mỗi năm, địa điểm này lại thu hút được hàng nghìn lượt người có đam mê chinh phục độ cao. Nếu là một người không ngại khó khăn, vất vả, du khách vượt qua những thành thức để được đặt chân lên nóc nhà của Đông Dương.
vntrip – Vntrip.vn