Bánh đập là món ăn vô cùng bình dị nhưng lại rất ngon miệng ở vùng đất của sông Hoài bến Đợi. Du khách tới đây hãy thử một lần dừng chân thưởng thức món ngon Hội An này.
Hội An là một thương cảng lớn từng níu chân các thương khách quốc tế trong suốt thế kỉ 17 – 18. Trong các tài liệu địa lý của nước ngoài, nơi đây từng được gọi là Hải Phố (thành phố nằm sát biển). Ngày nay, một phần của “cảng Hội An” khi xưa đã trở thành bến du thuyền đưa khách thăm quan trên sông.
Trong tour du lịch trên thuyền dọc dòng sông Thu Bồn để thăm quan khu phố cổ, điểm dừng cuối cùng thường là bên kia bờ sông thuộc phường Cẩm Nam. Tại đây, du khách có thể dễ dàng thưởng thức món bánh đập đặc sản của vùng này bởi trải dài theo con đường quanh co rợp bóng cây là rất nhiều hàng bánh đập luôn sẵn sàng phục vụ.
Bánh đập – món ăn đặc sản Hội An (Ảnh sưu tầm) |
Bánh đập Cẩm Nam gồm 3 lớp: 2 lớp bánh tráng khô nướng giòn ốp bên ngoài, ở giữa là lớp bánh tráng mềm. Tất cả đều được làm từ gạo trắng vo thật sạch, ngâm nước khoảng 2 – 3 tiếng cho mềm rồi đem xay thành bột thật nhuyễn mịn. Bột đem về được pha nước cho vừa. Bếp lửa để tráng bánh được nhóm bằng củi dương liễu to bản giúp than lâu tàn, ít hao củi.
Sau đó, người tráng bánh cho nước lã vào nồi to, đun sôi. Trên miệng nồi đã đặt khung tre tròn căng vải sao cho thật phẳng. Tiếp đó người làm bánh tráng một lớp bột mỏng trên khung vải rồi đậy nắp lại cho kín. Khoảng 1 phút sau, hơi nước sôi trong nồi bốc lên sẽ làm chín bánh. Lúc này người đầu bếp mới dùng que tre đã vuốt mỏng dài khoảng 40cm để lấy bánh ra khỏi khung vải. Vậy là chiếc bánh tráng mềm đã ra lò.
Lò tráng bánh (Ảnh sưu tầm) |
Bánh tráng mềm đem ra được đặt trên chiếc mâm đã thoa sẵn một lớp dầu thật mỏng, cứ một lớp bánh lại thoa một lớp dầu để khi lấy bánh không dính vào nhau. Bánh tráng mềm này được tráng và bán dần từ sáng đến tối. Nếu muốn làm bánh tráng khô, chỉ cần đem bánh tráng mềm phơi trên vỉ (đan bằng lá dừa) ngoài trời nắng độ 3 – 4 giờ. Nếu được bảo quản tốt, bánh có thể để từ 5 – 7 ngày để bán dần.
Phơi bánh tráng (Ảnh sưu tầm) |
Vào mỗi buổi sáng, cùng với việc đổ bánh tráng mềm, chủ quán sẽ nướng bánh tráng khô trên lửa than. Khi nướng, bánh phải được lật liên tục cho thật đều. Sau khi nướng, bánh được để nguội rồi đặt trong túi nilon.
Nếu có khách vào ăn, chủ quán chỉ cần ốp hai lớp bánh tráng giòn bao ngoài một lớp bánh tráng mềm là đã xong một cái bánh đập. Giá của món ăn Hội An này rất rẻ, mỗi đĩa bánh đập thường chỉ khoảng vài ngàn đồng.
Bánh đập thịt heo (Ảnh sưu tầm) |
Bánh đập thường được ăn với thứ nước chấm chế biến từ mắm nêm làm bằng cá cơm và củ hành hương. Củ hành hương xắt mỏng, phi mỡ cho vàng, giòn rồi vớt ra bát. Khi ăn, thực khách gắp hành vào bát nước mắm nêm đã được pha chế vừa miệng. Thực khách thích ăn cay thì cho thêm chút ớt.
Trước khi ăn, thực khách xòe bàn tay đặt lên giữa chiếc bánh đập rồi ấn xuống cho bánh vỡ ra thành từng mảng, sau đó tách ra, lấy tay cầm rồi chấm vào bát nước chấm. Cũng có người lấy muỗng múc nước chấm chan lên bánh và đưa vào miệng.
Ngày nay, ngoài mắm nêm và hành hương, nhiều thực khách còn rất thích thưởng thức bánh đập kèm với hến xào cùng một chút rau thơm, ớt hay ăn cùng thịt heo luộc và rau sống.
Bánh đập ăn kèm hến xào (Ảnh sưu tầm) |
Khi ăn, bánh đập vừa giòn rào rạo, vừa mềm mướt lại mang vị ngọt mát của tinh bột. Nước chấm mắm nêm mang mùi thơm đậm đà của cá cơm vùng biển và vị ngọt giòn của hành hương. Chắc hẳn hương vị đặc trưng, vừa mặn mòi chất biển lại ngọt ngào chất đất của bánh đập sẽ khiến thực khách dù chỉ một lần thưởng thức cũng khó mà quên được món ăn đặc sản Hội An rất bình dân mà không kém phần hấp dẫn này.
Xem thêm: CẨM NANG KINH NGHIỆM DU LỊCH CÙ LAO CHÀM TỪ A – Z
vntrip – Vntrip.vn