Mấy ai đến thành phố này mà không chụp cho mình các bức hình về những chiếc đèn lồng Hội An đủ kích cỡ, rực rỡ sắc màu. Chẳng khó gì để nhìn thấy những chiếc đèn lồng này, chỉ cần bước vài bước, ngẩng đầu lên, 1 “bầu trời đèn lồng” đã xuất hiện, bước thêm vài bước bạn lại thấy một “bầu trời đèn lồng” khác hiện ra. Nhưng làm thế nào để tạo ra những chiếc đèn lồng Hội An như chúng ta vẫn thường thấy? Hãy đi dạo 1 vòng cùng Vntrip.vn để tìm hiểu nhé!
- Có những loại đèn lồng Hội An nào?
Cuối thế kỷ 16, khi người Minh Hương đầu tiên đến Hội An để trao đổi buôn bán lập nghiệp và định cư, họ truyền nhau dạy cách làm đèn và dần dần đèn lồng đã trở thành nét đặc trưng tại Hội An. Đến nay, nghề làm đèn lồng ở Hội An đã có hơn 400 năm tuổi.
Bước 1 bước, chúng ta lại nhìn thấy 1 “bầu trời đèn lồng” khác (Ảnh: ST)
Du khách có thể thấy hàng trăm chiếc đèn lồng trong cửa hàng na ná giống nhau, về màu sắc, về chất liệu, hình dáng, kích cỡ… Nhưng không, cái sự na ná lại chính là điều tuyệt vời tạo nên màu sắc của ánh sáng tỏa ra từ đèn lồng. Mỗi màu sắc của đèn mang một ý nghĩa riêng, đó có thể là màu đỏ may mắn, màu vàng tươi vui, màu gấm huyết dụ kiêu sa hay sắc xanh dịu ngọt.
Mỗi màu sắc của đèn lồng Hội An mang một sắc thái riêng (Ảnh: ST)
Từ bao đời nay kể lại, các tích truyện cổ nổi tiếng thường được nghệ nhân xưa vẽ trên kính, hoàn hảo như một bức tranh đắt giá. Khi đèn được thắp sáng, cảnh mây trắng, trời xanh hoặc nước biển sẽ quay tròn liên tục, hất bong các chi tiết lên mặt kinh. Như một cách kể truyện rất đỗi tinh tế.
Đèn lồng Hội An ngày nay được phân chia theo kiểu dáng, gồm đèn hình tròn, bát giác, lục giác, trái bí, củ tỏi, hình thùng, hình quả đu đủ, hình bánh ý, hình dù… Ngoài ra có cả những chiếc đèn kéo quân, hình rồng, hình con cá với đủ sắc màu.
Đèn lồng Hội An phân loại dựa trên hình dáng (Ảnh: ST)
Riêng với những chiếc đèn lồng có tuổi hàng thế kỷ đang được các gia đình truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác chỉ được trưng ra trong đêm hội hoa đăng. Những chiếc đèn này được làm từ gỗ quý, chạm trổ cầu kỳ và trên mỗi tấm kính làm một tác phẩm hội họa tuyệt vời. Vậy nên nếu có cơ hội, hay chọn du lịch Hội An vào đúng thời điểm diễn ra lễ hội hoa đăng. Vào thời khắc đó, được tìm về những tích xưa dưới ánh trăng sáng tỏ, trong không khí lễ hội, và một chiếc đèn lồng như người kể chuyện, khi mờ khi tỏ hẳn sẽ là trải nghiệm khó quên.
- Làm đèn lồng Hội An có khó không?
Câu trả lời là CÓ. Và để làm một chiếc đèn lồng thành một “người kể chuyện” như đèn long xưa lưu truyền đến nay sẽ là RẤT KHÓ. Tất nhiên rồi!
Tre làm đèn lồng phải là loại tre già còn tươi. Để đảm bảo độ bền và tránh mối mọt, người thợ phải nấu tre rồi ngâm 10 ngày trong nước muối. Tiếp đến là phơi khô, vót thành từng nan mỏng tùy theo mỗi loại đèn.
Công đoạn làm khung và bọc vải cho đèn lồng (Ảnh: ST)
Vải bọc phải là vải xoa hoặc lụa tơ tằm, tùy theo màu sắc của vải mà đèn sẽ mang những ánh sáng khác nhau.
Quy trình làm đèn lồng gồm hai công đoạn chính: làm khung tre và bọc vải. Trước tiên những nan tre sẽ được gắn vào hai vòng gỗ để định hình khung và được kết nối bởi những sợi dây dù. Vải được cắt trước thành mảnh theo kích thước của đèn sau đó được dán lên những nan khung đã được bôi keo và được cắt tỉa những phần dư thừa
Nghệ nhân vẽ trang trí cho đèn lồng (Ảnh: ST)
Để hoàn thành, chiếc đèn lồng Hội An sẽ được vẽ hay trang trí và cuối cùng là gắn chuôi vào để hoàn thiện sản phẩm
Du khách tập làm đèn lồng tại Hội An (Ảnh: ST)
Lớp vải lụa tơ tằm giúp làm cho chiếc đèn lồng Hội An càng sang trọng hơn. Chính vì lẽ đó mà chiếc đèn Hội An được nhiều người ưa thích.
Du lịch Hội An, ngoài việc chọn những chiếc đèn lồng như một món quà Hội An dành cho người thân, bạn cũng có thể tập làm hoặc ngắm nhìn quá trình sản xuất những chiếc đèn lồng này tại các cơ sở:
- Xưởng sản xuất đèn lồng HÀ LINH:
Địa chỉ: 72 Trần Nhân Tông – Phường Cẩm Châu – TP Hội An.
Du khách có thể tham gia làm lồng đèn cùng với những người thợ và mang những chiếc lồng đèn do chính tay mình làm về như món quà kỷ niệm.
Du khách có thể tham quan quy trình sản xuất lồng đèn tại xưởng từ A đến Z, mua lồng đèn với giá rẻ…
- Xưởng sản xuất đèn lồng Huỳnh Văn Ba
Địa chỉ: 54 Nguyễn Thị Minh Khai – TP Hội An – Quảng Nam.
Du khách chỉ có thể tham quan quá trình làm khung của lồng đèn.
Ngoài việc đến tham quan quy trình sản xuất lồng đèn, du khách còn có thể tham quan đình FaiFo, một trong những ngôi đình cổ trong khu phố cổ ở Hội An bởi cơ sở sản xuất lồng đèn này nằm ngay bên trong đình.
Số điện thoại liên lạc:0510.910201 – 0510.241290 – 0935.360197.
- Xưởng sản xuất Đèn lồng Việt tại Hội An
Địa chỉ: Phố cổ Hội An – Quảng Nam
Điện thoại: 097 612 534
Đèn lồng là quà Hội An được ưa chuộng của nhiều khách du lịch (Ảnh: ST)
Hi vọng với những thông tin về đèn lồng Hội An, các bạn sẽ có hành trình thật thú vị tại phố Hội rực rỡ này.
Việt Hà – Vntrip.vn