Chùa Linh Phước là một trong những địa điểm du lịch Đà Lạt thu hút được sự quan tâm của phần đông du khách không chỉ bởi đây là một công trình kiến trúc khảm sành đậm đà bản sắc Á Đông mà còn bởi đó là nơi tìm về của những tâm hồn mong mỏi sự bình yên.
Chùa Linh Phước – Điểm du lịch Đà Lạt mang nét kiến trúc đặc sắc (ảnh sưu tầm) |
Công trình kiến trúc khảm sành đặc sắc
Chùa Linh Phước hay còn được gọi với cái tên khác là chùa Ve Chai, nằm ở 120 Tự Phước, Trại Mát, phường 11, Tp. Đà Lạt, Lâm Đồng. Chùa nằm ở phía Đông Bắc của thành phố cao nguyên Đà Lạt, cách trung tâm thành phố khoảng 8km, bên quốc lộ 20. Chùa được khởi công xây dựng năm 1949, hoàn thành vào năm 1952, đến nay đã qua 4 đời trụ trì. Được gọi là chùa Ve Chai bởi vì trong sân chùa có con rồng dài 49m được làm từ 12.000 vỏ chai bia, miệng rồng che phủ tượng Phật Di Lặc.
Con rồng dài 49 m làm từ vỏ chai bia (ảnh sưu tầm) |
Địa điểm du lịch Đà Lạt – Chùa Linh Phước là một công trình kiến trúc khảm sành vô cùng đặc sắc của phố núi Đà Lạt. Đây là ngôi chùa cổ rất độc đáo và có thể nói một trong những ngôi chùa đẹp nhất Đà Lạt, với nhiều hạng mục kiến trúc quy mô, chùa đã nhiều lần được tổ chức Asia Book of Records trao tặng bằng kỉ lục Việt Nam. Tính đến nay, ngôi chùa đã có đến 7 kỷ lục Việt Nam được xác lập.
Đến với Chùa Linh Phước, ngoài việc được dâng hương lễ Phật, du khách còn được thưởng ngoạn, khám phá những kiến trúc được xây dựng công phu, tỉ mỉ. Trước hết phải kể đến chính điện và Tiền đàn bảo tháp, một công trình kiến trúc đồ sộ và độc đáo: chính điện dài 33 m, rộng 22 m; Tiền Đàn Bảo Tháp cao 27 m được chạm trổ hình rồng, lầu 1 có gian thờ 108 tượng “Thiên thủ thiên nhãn”. Trong nội điện, tượng Phật Thích Ca cao 4,9 m kể cả tòa sen, được làm bằng bê tông cốt thép, bên ngoài thiếp vàng, phía trước là bức Cửu Long Môn uốn mình chầu Phật.
Chính điện chủa Linh Phước (ảnh sưu tầm) |
Dọc hai bên chính điện là hai hàng cột rồng khảm mảnh sành tương tự như phong cách khảm tại các lăng mộ của vua triều Nguyễn. Phía trên hai hàng cột ấy là những bức phù điêu khảm sành tái hiện lịch sử Đức Phật Thích Ca từ lúc giáng sinh đến nhập niết bàn. Điểm xuyết vào đó là những bức tranh điêu khắc về điển tích kinh A-di-đà, Quán Vô Lượng Thọ và kinh Pháp Hoa. Phía sau Tổ đường thờ Tổ Bồ đề đạt ma có bức phù điêu Thập bát La Hán và Thập mục Ngưu đồ, tất cả đều có vẻ đẹp hoành tráng làm bất kì du khách nào cũng phải kinh ngạc.
Trước Long Hoa Viên là tòa Linh tháp 7 tầng, cao 37 m (được xem là tháp chuông cao nhất Việt Nam hiện nay được Vietbooks xác lập số 528/KLVN/2008 vào ngày 05/05/2008) đây là nơi thờ các tôn tượng Phật quý và cũng là bảo tàng viện. Lầu 1 còn có Đại hồng chung (đúc vào cuối năm Kỷ Mão 1999) được xem là lớn nhất Việt Nam hiện nay. Chuông cao 4,3 m, đường kính 2,3 m và nặng tới 8,5 tấn. Việc đúc chuông có sự đóng góp vật lực, tài lực của Phật tử, du khách từ Bắc chí Nam, trong nước và ngoài nước.
Một nhóm nghệ nhân Huế đã có 3 đời đúc chông được mời đến đã dành ra hơn một năm để tạo khuôn, đúc và chạm khắc những hình ảnh trên chuông, bao gồm các ngôi chùa nổi tiếng của nước ta, tượng Phật nghìn mắt nghìn tay, các thắng cảnh… Toàn bộ ngôi Tháp trang trí rồng phượng hoa văn điển tích tứ thời, tứ quý, bát âm, bát bửu… từ mái đến vách trong ngoài lan can, cột cửa đều khảm sành rất công phu. Hàng trăm tấn miểng sành sứ từ Bát Tràng Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương đã được đưa về để tôn tạo chùa và bảo tháp.
Trước sân chùa còn có Bảo đài Quan Thế âm Bồ Tát rất hài hòa, cân đối. Ở chùa Linh Phước, hình tượng con rồng gần như bao quát toàn bộ kiến trúc ngôi chùa, được chạm khắc, bài trí rất công phu, tỉ mỉ trên các hàng cột, trên mái chùa,…
Nếu có dịp đến với địa điểm du lịch Đà Lạt thì đưng quên ghé thăm chùa Linh Phước, du khách sẽ được khám phá và thấy tận mắt nghệ thuật kiến trúc khảm sành sứ độc đáo có một không hai ở Việt Nam, được biết đến như một công trình kiến trúc tâm linh bậc nhất ở Đà Lạt về sự cầu kì, công phu, đậm đà bản sắc dân tộc.
vntrip – Vntrip.vn