Nếu có một ngày được lang thang trên những con phố nhỏ của Đà Lạt, để cảm nhận tiết trời bốn mùa giao hòa trên mảnh đất cao nguyên ấy, để thấm thía hơi sương mỏng manh nhưng đủ sức làm cho con người ta run rẩy, thì mới thấy yêu thêm những sắc hoa vàng rực rỡ, tựa những đốm lửa giữa đất trời ngày đông.
Ngập trời Đà Lạt (Ảnh sưu tầm) |
Thấm thía sắc vàng của Dã quỳ cổ điển
Người ta không hay biết tự lúc nào mà dã quỳ đã trở thành một dư vị không thể thiếu của điểm du lịch Đà Lạt, nhưng có một điều mà bất cứ một người nào đã từng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này đều khắc khoải mong đợi, ấy là khi đất trời cao nguyên đã vào cuối thu, cả một bầu trời dã quỳ đua nhau khoe sắc, reo vui trong gió như thì thầm những câu chuyện của ngàn năm để lại.
Dã quỳ cổ điển – Vườn hoa Đà Lạt đặc trưng (Ảnh sưu tầm) |
Hoa dã quỳ thật đặc biệt, loài hoa ấy chỉ sống được trên vùng núi cao với khí hậu khắc nghiệt nhưng vẫn đủ sức làm rực lên một góc trời. Du khách thật dễ dàng để ngắm nhìn những đồi hoa dã quỳ, bởi nó mọc chủ yếu ở ven đường hay phủ kín trên những sườn dốc chênh vênh, gập ghềnh, nhưng cũng chính vì thế mà nó thu hút đến lạ.
Dưới ánh nắng nhàn nhạt của buổi sớm mai, khi những bông hoa còn đọng sương lóng lánh, du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành chưa từng thấy ở những đô thị phồn hoa, hay khi đêm về, bên những ánh lửa bập bùng, bên những điệu múa nhịp nhàng, bên những câu hát và trong miên man sắc hoa ấy, du khách dường như sẽ được sống lại với mối tình ngàn năm huyền thoại đã ẩn giấu sau rừng hoa Đà Lạt dã quỳ.
Đó là câu chuyện tình yêu của chàng trai K’Lang và nàng H’Limh, một là dũng sĩ tài năng hơn người, một là giai nhân bậc nhất ở vùng, duyên số đã để họ gặp nhau, đem lòng yêu thương và hẹn ước trăm năm.
Ấy vậy mà, số trời run rủi, hạnh phúc chẳng vẹn tròn…
Huyền thoại đến muôn đời (Ảnh sưu tầm) |
Bấy giờ, trong vùng, La Rihn – con trai của tộc trưởng La Siêng, đem lòng yêu mến H’Limh, ghen ghét trước tình yêu chung thủy của họ đã tìm cách khiến đôi trẻ phải chia lìa. Nhân lúc K’Lang vào rừng sâu săn bắn, La Rihn đã tìm cách tiếp cận và tra tấn chàng bằng nhiều vết đâm bởi mũi giáo có tẩm thuốc độc. Hay tin dữ, H’Limh quyết định vào rừng sâu tìm K’Lang, nhưng H’Limh cũng chỉ kịp ôm người yêu trong tay, họ nhìn nhau đầy quyến luyến, đau đớn trước cảnh âm dương cách biệt.
Và rồi trong tột cùng đau khổ ấy, La Rihn cũng đã ra tay với người con gái ấy. Đôi trẻ đoàn tụ ở thế giới bên kia của trời đất, ở một nơi thật khác, bình yên và có lẽ hạnh phúc hơn. Nơi chôn cất cặp trai tài – gái sắc ấy đã mọc lên một loài hoa dại mang sắc vàng rực rỡ của những ngày đông sắp tràn về, dù thời tiết khắc nghiệt, dù đất đai khô cằn nhưng vẫn vươn lên mạnh mẽ, tươi tắn như chính tình yêu thủy chung của đôi trẻ.
Rừng hoa Đà Lạt – dã quỳ đẫm lệ (Ảnh sưu tầm) |
Hoa dã quỳ cứ tự nhiên xuất hiện trên mảnh đất cao nguyên, cứ nhẹ nhàng trở thành một nét đặc trưng của vùng đất Tây nguyên, của vườn hoa Đà Lạt như thế, hoa không chỉ là biểu trưng của tình yêu lứa đôi bền chặt, thủy chung mà còn là tượng trưng cho sức sống trường tồn, mạnh mẽ của người dân Tây Nguyên.
Dã quỳ ấy đẹp nhưng đượm buồn, nhỏ nhắn nhưng lại tràn trề sức sống, là loài hoa của hiện tại nhưng lại là âm vang của ngàn xưa. Dù nhanh tàn phai, nhưng một khi đã nở thì rực rỡ vô cùng, chói sáng một góc trời Đà Thành, như một chứng nhân của tạo hóa rằng mọi thứ rồi cũng sẽ có một kết thúc, hoa đẹp rồi cũng sẽ phai tàn nhưng thứ nó để lại trong lòng người mới thực sự là điều đáng trân trọng.
Mimosa kiêu sa – Một bầu trời thương nhớ
Mimosa kiêu sa trong gió đông (Ảnh sưu tầm) |
Nếu dã quỳ cổ điển là bức tranh phố núi khi thu sắp tàn, phảng phất chút buồn man mác của một điều gì đó sắp kết thúc, thì mimosa lại chứa đựng trong mình vẻ đẹp kiêu sa, đầy thách thức trước gió lạnh của mùa đông núi rừng. Cũng là cây mọc dại như hoa dã quỳ, nhưng mimosa là loại cây thân gỗ, vươn cao mạnh mẽ, gọi là cây keo cũng không đúng mà gọi là hoa trinh nữ vàng thì cũng không hẳn.
Nhưng cũng như những loài cây dại khác, rừng hoa Đà Lạt mimosa có sức trường tồn, vĩnh cửu cùng thời gian, cứ tàn rồi lại nảy nở như một vòng tuần hoàn tất yếu của vũ trụ, bao năm vẫn đứng đó, khiêm nhường. Hoa mimosa thường nở rực nhất là vào khoảng tháng 11, khi đất trời đã hoàn toàn chìm đắm trong giá lạnh, trong rét buốt, để rồi khi nhìn thấy những bông hoa ấy, người ta thấy ấm lòng.
Hoa mimosa kiêu sa là thế, tưởng chừng như yếu mềm nhưng lại có sức sống bền bỉ suốt cả mùa đông khắc nghiệt. Sắc vàng của mimosa không rực rỡ, chói chang như dã quỳ mà nhẹ nhàng, tinh tế, có vẻ như khiêm nhường, thầm kín của địa điểm du lịch Đà Lạt.
Mimosa vàng óng ả, kiên cường (Ảnh sưu tầm) |
Vườn hoa Đà Lạt mimosa ấy cứ như một bức tranh thêu thổ cẩm của cô gái phố núi cần mẫn, chịu thương, chịu khó, đang ngày đêm miệt mài tô điểm cho thành phố này. Thật đặc biệt khi đến Đà Lạt, du khách được tận mắt chứng kiến một loài hoa lạ lùng đến thế, mimosa sở hữu thân cây họ keo, lá nhỏ mà nhọn hoắt, xanh ngắt ẩn nấp sau màu vàng sáng rực một góc trời, những bông hoa mimosa nhìn xa thì tưởng như hàng trăm bông cẩm tú cầu li ti chụm đầu vào nhau trò chuyện, nhưng đến gần hơn, những cánh hoa ấy lại khiến người ta liên tưởng đến loài bồ công anh trong suốt, nhẹ nhàng đua theo làn gió với những cánh hoa chỉ như sợi chỉ vàng thêu dệt.
Không ẩn chứa trong mình những huyền thoại ngàn năm nhưng chỉ cần thế thôi cũng đủ để mimosa có một chỗ đứng trong lòng người từ bao đời nay.
Hoa vàng và đất trời Đà Lạt
Hoa và đất trời dường như có một mối giao hòa đến kì lạ, hoa nào mùa ấy, hoa nào thời tiết ấy, hoa đa dạng như những nét điểm tô của người nghệ sĩ tài ba lên nền trời, nền đất Đà Lạt. Chẳng vậy mà người ta tặng cho Đà Lạt cái tên “thành phố ngàn hoa”.
Vườn hoa Đà Lạt – vàng rực một góc trời (Ảnh sưu tầm) |
Nếu ai có dịp đặt chân đến thành phố ấy vào những ngày tháng 10, tháng 11 mới thực sự thấy hết được sức sống mạnh mẽ của những sắc hoa vàng của những làng hoa Đà Lạt, mặc cho những màn sương lạnh giá bao phủ, mặc cho những loài cây khác đua nhau trút lá, trơ trọi giữa ngày đông bên những làn gió vô tình đem đi sức sống của cảnh vật, chúng vẫn hiên ngang đứng đó, đem chút sắc vàng rực sưởi ấm cho lòng người.
Tiết trời càng giá lạnh, thì hoa vàng càng rực rỡ, hoa như rực cháy hết mình, cống hiến tất thảy mảnh đất này. Và những sắc vàng đặc trưng ấy đã làm nên bản sắc thật riêng của đất trời Đà Lạt.
Hoa dã quỳ báo hiệu những ngày buồn tê tái của cuối thu Đà Lạt, như cánh mai anh đào mang xuân về, như chùm phượng tím ngắt đón hạ sang hay như sắc vàng rực rỡ mà kiêu sa của loài hoa mimosa kiên cường trong gió rét ngày đông,…tất cả những sắc màu ấy làm nên một vườn hoa Đà Lạt sống động đến kì ảo.
“Đặc sản” làng hoa Đà Lạt (Ảnh sưu tầm) |
Chỉ cần một chút sắc vàng của vườn hoa Đà Lạt rực rỡ ấy giữa mùa đông lạnh giá cũng đủ khiến cho lòng người thêm thư thái, khiến cho tâm hồn như rộng mở hơn, bất chấp cả cái rét đến thấu xương tủy, lòng người và đất trời giao hòa, tất cả tạo nên một bức tranh bình yên đến lạ lùng, mê đắm lòng người.
Hoa như níu chân người đi, giăng mắc trong lòng lữ khách một nỗi vấn vương khó tả, là sắc màu nối liền quá khứ với hiện tại, là cầu nối của huyền thoại ngàn xưa và không biết tự lúc nào, những sắc vàng ấy đã trở thành một “đặc sản” của đất Đà Lạt cổ kính, huyền thoại.
vntrip – Vntrip.vn