Vị trí địa lý
Thành phố Huế nằm ở toạ độ địa lý 16 – 16,80 vĩ Bắc và 107,8 – 108,20 kinh Đông. Phía Bắc và Tây giáp thị xã Hương Trà, phía Nam giáp thị xã Hương Thuỷ, phía Đông giáp thị xã Hương Thuỷ và huyện Phú Vang. Thành phố này tọa lạc hai bên bờ hạ lưu sông Hương, về phía Bắc đèo Hải Vân, cách Đà Nẵng 112 km, cách biển Thuận An 14km, cách sân bay quốc tế Phú Bài 14km và cách Cảng nước sâu Chân Mây 50km.
Diện tích tự nhiên 71,68 km2, dân số năm 2012 ước là 344.581 người.
Nằm tựa lưng vào dãy núi Trường Sơn, khu vực thành phố Huế là đồng bằng thuộc vùng hạ lưu sông Hương và sông Bồ, có độ cao trung bình khoảng 3 – 4m so với mực nước biển. Nơi đây thường bị ngập lụt khi đầu nguồn của sông Hương (trên Dãy Trường Sơn) xảy ra mưa vừa và lớn. Khu vực đồng bằng này tương đối bằng phẳng, tuy trong đó có xen kẽ một số đồi, núi thấp như núi Ngự Bình, Vọng Cảnh…
Lịch sử
Phú Xuân
Năm 1626, để chuẩn bị cho việc chống lại họ Trịnh, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên dời dinh đến làng Phước Yên (Phúc An) thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên và đổi Dinh làm Phủ. Năm 1636, Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan chọn làng Kim Long, thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, làm nơi đặt Phủ. Năm 1687, Chúa Ngãi Nguyễn Phúc Trăn, dời Phủ chúa về làng Phú Xuân, thuộc huyện Hương Trà và năm 1712, chúa Minh Nguyễn Phúc Chu dời phủ về làng Bác Vọng, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên làm nơi đặt Phủ mới. Đến khi Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát lên cầm quyền năm 1738 thì phủ chúa mới trở về lại vị trí Phú Xuân và yên vị từ đó cho đến ngày thất thủ về tay quân họ Trịnh. Năm 1802, sau khi thống nhất Việt Nam, vua Gia Long đã “đóng đô ở Phú Xuân, mới gọi là Kinh sư”.
Thành phố Huế
Sau ngày tuyên bố độc lập (ngày 2 tháng 9 năm 1945), Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiến hành kiện toàn lại bộ máy quản lý nhà nước, sắp xếp lại lại các đơn vị hành chính trong cả nước. Sắc lệnh số 77 ngày 21/12/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam quy định Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Sài Gòn đều đặt làm thành phố. Thành phố Hà Nội được đặt trực tiếp dưới quyền của Chính phủ Trung ương, còn các thành phố khác đều thuộc quyền của các Kỳ. Ở mỗi thành phố đặt cơ quan Hội đồng nhân dân thành phố, Uỷ ban hành chính thành phố, Uỷ ban hành chính khu phố… Đầu năm 1946, Chính phủ Việt Nam giải tán các cấp hành chính châu, quận, phủ, tổng; thành lập chính quyền bốn cấp từ bộ đến tỉnh, thành phố, huyện, xã.
Giai đoạn từ năm 1954-1975: sau khi thành lập chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và ban hành hiến pháp, tổng thống Ngô Đình Diệm đã tiến hành xây dựng bộ máy hành chính từ trung ương đến cơ sở, đồng thời tiến hành cải tổ nền hành chính ở các địa phương. Theo tinh thần tờ Dụ số 57A ngày 24/10/1956 với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, thị xã Huế là đơn vị hành chính ngang cấp với tỉnh Thừa Thiên, tuy tỉnh lị Thừa Thiên đặt ở Huế. Mô hình này chỉ tồn tại đến năm 1975.
Sau năm 1975, thành phố Huế được chọn làm tỉnh lỵ tỉnh Bình Trị Thiên, gồm 12 phường: Phú An, Phú Cát, Phú Hậu, Phú Hiệp, Phú Hòa, Phú Thuận, Tây Lộc, Thuận Hòa, Thuận Lộc, Thuận Thành, Vĩnh Lợi, Vĩnh Ninh và 6 xã: Hương Lưu, Thủy Phú, Thủy Phước, Thủy Trường, Thủy Xuân, Xuân Long.
Ngày 13 tháng 3 năm 1979, sáp nhập phường Phú An vào phường Phú Cát. Ngày 11 tháng 9 năm 1981, thành phố Huế được mở rộng địa giới, sáp nhập các xã Hương Hải, Hương Phong, Hương Vinh, Hương Sơ, Hương Long, Hương Hồ, Hương Bình, Hương Thọ (trừ thôn Dương Hoà sáp nhập về huyện Hương Phú), một phần xã Hương Chữ (các thôn Thanh Chữ, Cổ Bưu, Bổn Trì, Bổn Phổ, An Lưu) của thuộc huyện Hương Điền, các xã Thủy Bằng, Thuỷ Biều, Thuỷ An, Thuỷ Dương, Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh, Phú Tân, một phần xã Thuỷ Vân (các xóm Cồn Trâu, Cổ Thành, Vườn Trầu, Đồng Giáp) thuộc huyện Hương Phú.
Thành phố Huế sau khi được mở rộng bao gồm các phường Thuận Thành, Thuận Lộc, Thuận Hoà, Tây Lộc, Phú Thuận, Phú Hoà, Phú Cát, Phú Hiệp, Vĩnh Lợi, Vĩnh Ninh và các xã Thuỷ Trường, Thuỷ Phước, Thuỷ Xuân, Xuân Long, Hương Hải, Hương Phong, Hương Vinh, Hương Sơ, Hương Long, Hương Bình, Hương Thọ, Thủy Bằng, Thuỷ Biều, Thuỷ An, Thuỷ Dương, Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh, Phú Tân, Thuỷ Phú (gồm cả xóm Đông Giáp), Hương Lưu (gồm cả xóm Cồn Trầu và xóm Cổ Thành), Hương Hồ (gồm cả các thôn Thanh Chữ, Cổ Bưu, An Lưu, Bổn Trì, Bổn Phổ).
Văn hóa
Kinh đô Huế, một kiến trúc quyến rũ
Tọa lạc bên bờ sông Hương xanh biếc êm đềm vốn xưa nay vẫn chảy lững lờ qua lòng đô thị chính là quần thể kiến trúc nghệ thuật Kinh đô Huế được xây dựng dưới triều Nguyễn. Ở bờ Bắc dòng là Kinh thành – Hoàng thành và Tử Cẩm Thành với hàng chục cung điện vàng son lộng lẫy. Xa xa ở phía Nam sông Hương là những lăng tẩm của các vị vua từ Gia Long đến Khải Định và Đàn Nam Giao (nơi vua tế trời đất). Đây được xem như những công trình nghệ thuật tuyệt đẹp giữa chốn đồi núi linh thiêng này. Sự hài hòa giữa kiến trúc thiên nhiên của kinh thành Huế đã đạt đến mức tuyệt diệu và hoàn chỉnh. Kinh thành được xem là một thành lũy có hình ngôi sao mà về đêm trông như một vì tinh tú đẹp lung linh, huyền ảo.
Kinh thành Huế được thiết kế như một thành lũy với cả một hệ thống phức hợp các công trình kiến trúc liên quan chặt chẽ với nhau và mang tính phòng thủ vững chắc, bao gồm các bộ phận chính kể từ thành ra bên ngoài như: luỹ, pháo đài, tường bắn, pháo nhãn, phòng lộ, hào, thành giai, con đường kín. Hình khối kiến trúc của những công trình trong kinh thành Huế là mái thẳng, đường nét thanh nhã phù hợp với những cấu kiện gỗ hướng đến chiều cao được xác định phù hợp với tỷ lệ. Rõ ràng, sự hài hoà giữa kiến trúc và tạo hình thời Nguyễn phản ánh mối giao hoà tâm lý “Thiên – Địa – Nhân” sâu sắc của người Huế.
Chính mỹ thuật dân gian đã phả vào mỹ thuật cung đình một sức sống mới; ngược lại mỹ thuật cung đình trang nhã, trang trọng tác động trở lại khiến cho mỹ thuật dân gian thêm phần sinh động. Chính sự tương tác bổ sung đó đã tạo cho kinh thành Huế có sức sống bền bỉ và mang trong mình những giá trị văn hóa lớn lao trường tồn đến hôm nay.
Ẩm thực đặc trưng xứ Huế
Trong những đặc trưng văn hóa lâu đời của Huế thì sự đa dạng cầu kỳ trong cách chế biến thức ăn góp một phần không nhỏ vào việc hình thành nét riêng xứ Huế. Món ăn Huế giản dị, phong phú, mang hương vị đằm thắm của sản phẩm nơi đồng ruộng, đầm phá, núi sông đất cố đô song cũng không kém phần sang trọng tinh tế với cách bài trí món ăn mang tính nghệ thuật của các món ăn cung đình.
Những loại đặc sản bốn mùa của người Huế có thể nấu tới 300 món ăn. Món ăn dân dã và khó quên nhất khi du khách tới Huế đầu tiên có thể kể tới món cơm hến. Cơm hến ngon nhờ tài pha chế nhiều thành phần các loại gia vị rất độc đáo và cầu kỳ. Địa điểm để thưởng thức món cơm hến ngon đúng chất là Cồn hến hay những quán nhỏ ở đường Trương Định, nhà hàng nổi tiếng như Nam Giao hoài cổ, Vĩ Dạ xưa…
Và nếu có dịp dừng chân dùng bữa cơm ở Huế, bạn sẽ được thưởng thức những món rất đồng quê và dân dã mà ngon đến lạ. Đơn giản như món cá bống thệ kho rau răm với nước dừa; món canh rau tập tàng mà vườn nhà ai cũng có sẵn; bát canh thịt heo nấu với lá bông ngọt, lá mồng tơi, ngọn sần, búp hoa bí ngô xào kèm với tôm hay thịt bò và không thể thiếu đĩa rau sống cùng một chén nước mắm ngon.
Đặc biệt, món ăn chay được người Huế chế biến rất cầu kỳ và ngon không kém món ăn mặn (có khoảng 125 món). Ngoài ra, Huế còn có những món ăn đặc sản như bún bò, giò heo, trong đó nổi tiếng nhất là bún Gia Hội, chợ Tuần. Bên cạnh đó còn hàng chục loại bánh mặn, ngọt mà ai đã một lần nếm thử, hẳn không quên được những món quà đặc sắc chốn kinh kỳ. Đó là các loại bánh nổi tiếng gắn liền với các địa danh: bánh khoái – Đông Ba, bánh bèo – Ngự Bình, bánh canh – Nam Phổ, bánh ướt thịt nướng – Kim Long…
Chè Huế cũng phong phú không kém, với 36 loại khác nhau như chè bột lọc bọc thịt quay, chè hạt sen bọc long nhãn, chè đậu ván, chè đậu xanh đánh, chè đậu ngự, chè đậu huyết… Món nào cũng đem tới cho ta sự thích thú đặc biệt và ấn tượng khó quên khi đến Huế.
Con người
Kinh đô Huế làm nảy sinh nơi người dân một phong cách “đài các”, tức là một vẻ cao sang. Ngoài ra, người con xứ Huế còn có một sự giữ kẽ, giữ ý trong tính cách. Thiếu nữ Huế thường là kín đáo, không bộc lộ tâm tình cho người khác biết, có khi là e ấp.
Trong hai câu thơ của Đông Hồ nhắc đến cô gái Huế: “Gió chiều vương áo nàng Tôn Nữ, quai lọng nghiêng vành chiếc nón thơ”. Những năm 1970, người nữ ở Huế ra khỏi nhà là mặc áo dài, kể cả chị tiểu thương ở chợ hoặc bà bán hàng rong. Ta cảm thấy các món trang sức như tà áo, chiếc nón, bài thơ trong nón đều góp phần tạo nên nét duyên e ấp của “nàng Tôn Nữ” và nàng Tôn Nữ ở đây dùng để chỉ chung các thiếu nữ Huế.
Một tác giả Pháp chấm phá dung nhan này như sau: “… Các cô gái Huế kiêu sa và dễ làm ra vẻ khinh khỉnh, họ là đám hậu sinh của các phi tần không bao giờ quên rằng một giọt máu thiên tử đang chảy truyền trong huyết quản của mình” (Jean Hougron, Soleil au ventre, trang 67).
Người Huế thường phản ứng chậm. Vẻ bề ngoài và hành động không hô ứng tiếp liền nhau. Hay nói cách khác, giác quan tiếp nhận cảm giác và nội tâm cứ hành hai nhịp khác nhau và giữa hai nhịp đó là một khoảng dành cho nụ cười, tiếng dạ thưa, sự e dè, cân nhắc. Đó là một loại “phản ứng hẹn giờ”, nhưng một khi phản ứng phát ra, nó có tính cách dứt khoát, không vãn hồi. Đó là nét tinh Huế mà người ta gọi là “thâm trầm”, “thâm thúy”
vntrip – Vntrip.vn