Kinh thành Huế là một không gian rộng lớn, là nơi quan trọng bậc nhất của triều Nguyễn. Hiện nay, kinh thành Huế còn lưu giữ được rất nhiều công trình kiến trúc, các đền đài, cung điện có giá trị văn hóa và kiến trúc đặc biệt nổi bật.
Kinh thành Huế được bắt đầu xây dựng năm 1805 dưới thời vua Gia Long, kéo dài đến gần 30 năm đến thời vua Minh Mạng. Đây là một tòa thành gần như hình vuông, mỗi cạnh khoảng trên dưới 2,5km, phía trước lượn cong theo thế của khúc sông Hương chảy qua trước thành. Bên trong Kinh thành Huế, có một vòng thành nhỏ hơn, gọi là Hoàng thành – một tòa thành có mặt trước và sau dài 622m, hai mặt bên dài 604m – đây là nơi đặt các cơ quan trọng yếu của triều đình. Tử Cấm Thành nằm trong cùng – mặt trước và sau dài 324m, hai mặt bên dài 290m – đây là nơi ở chính của hoàng gia.
Khám phá 5 điểm đến tham quan tại Kinh Thành Huế
1. Ngọ Môn – Điểm nhấn đặc trưng của lịch sử Huế
Ngọ Môn là cửa chính của Hoàng thành, nằm phía Nam kinh thành Huế. Đây là một tổng thể kiến trúc khá phức tạp, đồ sộ nguy nga, nhìn từ xa như một tòa lâu đài tráng lệ, nhưng cũng rất gần gũi, hài hòa với phong cảnh thiên nhiên và tâm hồn, tình cảm của con người xứ Huế. Từ dưới nền đất, hệ thống bậc cấp xây bằng những phiến đá dài, nằm lộ thiên nhưng rất kín đáo trong nền đài, dẫn lên trên lầu Ngũ Phụng.
Ngọ Môn với lầu Ngũ Phũng là điểm nhấn của kinh thành Huế(Ảnh: ST)
Lầu Ngũ Phụng là một không gian khoáng đạt. Trong bất cứ thời tiết nào, du khách bước lên lầu Ngũ Phụng cũng có cảm giác dễ chịu, mát mẻ. Đây cũng là không gian mở cho khách du lịch rộng tầm mắt nhìn về tứ phương cảm nhận dấu ấn lịch sử văn hóa Huế. Bên cạnh những bức chạm trổ hay kiến trúc cổng hoàng cung của lầu Ngũ Phụng, tại đây bạn cũng có thể nhìn toàn bộ Hoàng thành và quy hoạch của triều đình xưa cho toàn cảnh kinh thành Huế bên bờ sông Hương xanh mát.
Đến Huế, thăm quan Ngọ Môn và chụp ảnh là một điều mà không một du khách nào bỏ qua trong hành trình đến vùng đất lịch sử này.
2. Điện Thái Hòa – biểu trưng quyền lực của Hoàng triều Nguyễn
Điện Thái Hòa nằm trong khu vực Đại Nội Huế, là nơi đăng quang của vua triều Nguyễn . Đây được coi là trung tâm của kinh thành Huế, cũng là trung tâm của đất nước, là biểu trưng quyền lực của Hoàng triều Nguyễn. Điện, cùng với sân chầu, là địa điểm được dùng cho các buổi triều nghi quan trọng của triều đình.
Điện Thái Hòa – biểu trưng của quyền lực triều Nguyễn (Ảnh: ST)
Cung điện được xây theo lối trùng thiềm điệp ốc. Mái điện lợp ngói hoàng lưu ly, kiểu mái chồng diêm. Dải cổ diêm được phân khoảng ra thành từng ô hộc để trang trí hình vẽ và thơ văn trên những tấm pháp lam. 197 bài thơ được thảo theo lối nhất thi nhất họa là một trong những điểm đặc biệt của điện. Trong điện Thái Hòa hiện còn lưu giữ chiếc ngai vàng của các vua triều Nguyễn.
3. Duyệt Thị Đường – nơi thưởng lãm âm nhạc hoàng cung
Duyệt Thị Đường nằm bên trong Tử Cấm Thành, là một nhà hát dành cho vua, hoàng thân quốc thích, các quan đại thần của kinh thành Huế xem biểu diễn các vở tuồng xưa kia. Đây là nhà hát cổ nhất của ngành sân khấu Việt Nam. Duyệt Thị Đường được khôi phục và đưa vào hoạt động biểu diễn nhã nhạc cung đình Huế phục vụ khách du lịch rất thu hút.
Biểu diễn âm nhạc cung đình tại Nhà hát Duyệt Thị Đường (Ảnh: ST)
Đây là một điểm nhất định bạn phải đến nếu muốn thưởng lãm trọn vẹn hơi hướng nghệ thuật cung đình.
4. Kỳ Đài – Biểu tượng trung tâm của cố đô Huế
Kỳ đài nằm chính giữa mặt nam kinh thành Huế thuộc phạm vi pháo đài Nam Chánh, cũng là nơi treo cờ của triều đình. Kỳ đài có kiến trúc tương đối lớn, gồm: đài cờ và cột cờ. Đài xây gạch, gồm 3 tầng như 3 hình tháp cụt xếp chồng lên nhau.
Kỳ Đài (Ảnh: ST)
Đây không chỉ là vị trí trung tâm của Thành phố Huế mà còn là một biểu tượng của mảnh đất Cố đô qua rất nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau.
5. Bao Vinh – Phố cổ “bí mật” giữa kinh thành Huế
Trên bản đồ du lịch Huế, có thể Phố cổ Bao Vinh là cái tên khá lạ lẫm với nhiều du khách. Phố cổ Bao Vinh từ giữa thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX được xem là khu thương mại sầm uất bậc nhất không chỉ của kinh thành Huế mà còn cả xử Đàng Trong.
Phố cổ Bao Vinh nằm bên dòng sông thơ mộng (Ảnh: ST)
Phố cổ Bao Vinh lúc trước còn được 39 ngôi nhà có tuổi từ 150 đến 200 năm tuổi nhưng đến nay phần lớn đều đã bị thời gian mài mòn, chỉ còn 15 ngôi nhà cổ nằm rải rác. Tuy nhiên, vẻ đẹp cổ tích hoang hoải của một điều gì đó đã xưa cũ nằm nép mình bên dòng sông êm đềm luôn cho người xem cảm giác lâng lâng khó tả. Những người chủ của những ngôi nhà cổ vô cùng thân thiện. Du khách chỉ cần bày tỏ sự tôn trọng và lòng mê say khám phá, là có thể những hướng dẫn viên bản địa dẫn vào từng phòng trong ngôi nhà nhuốm màu thời gian, kể những câu chuyện mà tình tiết nào cũng đậm chất tinh tế của Huế.
Dreamer – Vntrip.vn